2010: Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives (Thái Lan)
Cannes 2010 chứng kiến một cú sốc khi nhà làm phim Thái Lan Apichatpong Weerasethakul bước lên bục cao nhất nhận giải Cành cọ vàng cho bộ phim Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives. Phim là câu chuyện về người đàn ông Thái đang chết dần vì căn bệnh thận. Chính trong thời gian này, ông phát hiện ra những hình ảnh kiếp trước của mình. Bộ phim này sau đó còn vượt qua “bom tấn” của điện ảnh Trung Quốc là Đường Sơn đại địa chấn để lên ngôi Liên hoan phim Châu Á 2010 với giải Phim xuất sắc nhất. Đây còn là bộ phim thứ 6 của châu Á thắng giải Cành cọ vàng trong lịch sử LHP này.
2009: The White Ribbon (Áo)
The White Ribbon là bộ phim lên ngôi Cành cọ vàng 2009, đây là niềm tự hào của điện ảnh Áo vốn bị lu mờ trước hai “ông lớn” Pháp và Ý bấy lâu nay. Bộ phim làm người xem khá sốc với những sự kiện bạo lực trong một ngôi làng Đức trước khi xảy ra Chiến tranh thế giới lần thứ 1. Đó là cuộc sống của một thế hệ sau 20 năm đi theo Hitler. Bộ phim được thực hiện bởi đạo diễn Michael Haneke. Sau khi thành công ở Cannes, The White Ribbon còn giành được khá nhiều đề cử và giải thưởng ở các liên hoan phim khác.
2008: The Class (Pháp)
The Class có tên tiếng Pháp là Entre les murs, vinh dự đoạt giải Cành cọ vàng ngay trên sân nhà. Đạo diễn Laurent Cantet mô tả những khó khăn tại một ngôi trường trung học ở Paris. Điểm đặc biệt của bộ phim này chính là sự tham gia diễn xuất của dàn diễn viên nghiệp dư gồm những giáo viên và học sinh. Họ đã tạo ra những cảnh quay sinh động và tự nhiên, góp phần làm nên thành công của phim.
2007: 4 Months, 3 Weeks and 2 Days (Rumani)
Một trong những bộ phim đoạt giải Cành cọ vàng gây tranh cãi nhất trong lịch sử chính là 4 Months, 3 Weeks and 2 Days của đạo diễn Cristina Mungiu. Đây là niềm tự hào của điện ảnh Rumani trong những năm gần đây. Bộ phim nói về nạn phá thai lậu đang hoành hành tại Rumani – một bức tranh xã hội, làn sóng ngầm trong giới trẻ Đông Âu. Sau khi đoạt giải, nhiều tranh cãi đã nổ ra cho việc có nên phổ biến bộ phim này, nhất là đối với trẻ vị thành niên và học sinh trung học hay không, vì nó đề cập khá nhiều về cách phá thai.
2006: The Wind That Shakes The Barley (Anh)
Vị đạo diễn 70 tuổi người Anh Ken Loach đã vinh dự chiến thắng giải Cành cọ vàng với “đứa con” tinh thần của ông – The Wind That Shakes The Barley. Bộ phim kể về câu chuyện của hai anh em nhà County Cork, những người tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc giành độc lập cho Ailen từ Anh quốc. Bộ phim lúc đầu không được quan tâm và đánh giá cao ở Anh, nhưng sau khi đoạt giải Cành cọ vàng, nó lập tức nhận được sự quan tâm và có mặt tại hơn 105 rạp chiếu phim toàn nước Anh thời điểm đó. Sau khi thắng ở Cannes bộ phim tiếp tục có mặt tại các đề cử liên hoan phim ở nhiều nước khác.
2005: The Child (Bỉ)
Bộ phim The Child của anh em Luc và Jean-Pierre đã vinh dự chiến thắng giải Cành cọ vàng cho phim xuất sắc nhất LHP Cannes 2005. 6 năm trước hai anh em này từng bước lên bục cao nhất cho bộ phim Rosetta. Bộ phim kể về chuyện tình cảm động của đôi vợ chồng trẻ ở Pháp, bi kịch của sự nghèo khổ lên đến cùng cực khi họ phải bán con của mình để có tiền sinh sống. Sau khi thắng giải Cannes, The Child tiếp tục “chu du” đến Oscar trong hạng mục Phim tiếng nước ngoài hay nhất, nhưng đã không có mặt ở vòng đề cử chính.
2004: Fahrenheit 9/11 (Mỹ)
Cơn địa chấn Fahrenheit 9/11 của đạo diễn người Mỹ Michael Moore tại LHP Cannes 2004 là một trong những bộ phim tài liệu hiếm có giành được giải Cành cọ vàng. Trước đó, phim từng bị cấm chiếu trên nước Mỹ vì những chi tiết nhạy cảm. Toàn bộ nội dung phim đề cập đến mối quan hệ của cựu tổng thống Bush (cha) với trùm khủng bố Bin Laden. Đó là bức tranh xung quanh vụ khủng bố 11/9 đã từng gây hỗn loạn trên nước Mỹ. Nó còn phê phán chính quyền Bush đã thực hiện những mưu đồ chính trị của mình. Đây là phim tài liệu ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Mỹ, phim được phát hành tại hơn 50 quốc gia và bán được 2 triệu đĩa DVD trong ngày đầu tiên phát hành.
2003: Elephant (Mỹ)
Bộ phim xuất sắc của đạo diễn Gus Van Sant, đề cập đến vụ thảm sát tại trường trung học Columbine năm 1999. Tuy được đánh giá cao về mặt nghệ thuật nhưng khán giả lại tỏ ra rất hờ hững với bộ phim này. Chỉ hơn 10 triệu USD tiền vé được thu về trên toàn thế giới. Tại một số nước, bộ phim được phát hành rất hạn chế.
2002: The Pianist (Ba Lan)
Nghệ sĩ dương cầm là bộ phim xuất sắc nhất của điện ảnh thế giới trong năm 2002, nó thâu tóm tất cả các giải thưởng điện ảnh uy tín nhất kể cả giải Oscar cho hạng mục Phim xuất sắc nhất. Đây là tác phẩm của đạo diễn Roman Polanski, được các nước Anh, Pháp, Đức, Ba Lan hợp tác sản xuất. Đó là câu chuyện có thật về cuộc đời nghệ sĩ dương cầm người Do Thái Wladyslaw Szpilman, với tiếng dương cầm mỏng manh trong sự khốc liệt của chiến tranh Thế giới thứ 2 bao trùm lên đất nước Ba Lan thời điểm đó.
2001: The Son’s Room (Ý)
Đây là bộ phim điện ảnh của Ý thắng giải Cành cọ vàng năm 2001, chấm dứt hơn 20 năm điện ảnh Ý kém duyên với giải thưởng này. Bộ phim tâm lý xã hội kể về những biến động trong một gia đình sau khi đứa con trai của họ qua đời. Phim được thực hiện bởi đạo diễn lừng danh Manni Moretti. Bộ phim này cũng nằm trong danh sách 500 bộ phim hay nhất mọi thời đại, ở vị trí 480.
Theo Bình An (PNO)