Blackwashing: Thực hư câu chuyện “đổi trắng thay đen”
(FTUNEWS) – #notmyAriel, #blackwashing là những hashtag tràn lan trên Twitter trong những tuần qua khi nữ diễn viên Halle Bailey được Disney “chọn mặt gửi vàng” trong bản live-action sắp tới của hãng – The Little Mermaid. Không chỉ riêng Disney, bước đi gần đây của các nhà làm phim đang dần hướng về cộng đồng da màu, mở ra cơ hội casting nhiều vai diễn quan trọng hơn cho họ. Liệu đây có phải là chiêu trò để lôi kéo người xem đơn thuần hay nghiêm trọng hơn là nạn “phân biệt chủng tộc ngược” khi “rửa đen” những vai diễn được cho là thuộc về cộng đồng da trắng? Nếu không phải, đâu sẽ là lời “giải oan” cho blackwashing?
- Công bố điểm thi THPT Quốc gia 2019: Đầu đạn đã nạp, em sẵn sàng phóng chưa?
- “Đâu cần một bài ca tình yêu”, nhưng luôn cần một giai điệu ngất ngây
- Quán quân FTUShine 2019 – Phạm Bảo Ngọc: Tuổi hai mươi vẽ phút giây tỏa sáng
Khái niệm “blackwashing” được hiểu là tình huống khi một diễn viên da màu hoặc da đen đảm nhận vai diễn của nhân vật được nhìn nhận là người da trắng. Tiêu biểu có thể kể đến hình tượng Nick Fury trong loạt phim của Marvel Studios hay vai nàng MJ cá tính trong “Spider-man” (2 phần “Homecoming” và “Far from home”). Trong bản truyện tranh, hai nhân vật này được minh họa với màu da sáng quen thuộc, khác xa với hình ảnh được xây dựng trong phim – điều này dẫn tới nhiều luồng ý kiến trái chiều từ khán giả. Có người ngạc nhiên, cho rằng đây là sự đổi mới nhưng cũng không ít cá nhân chỉ trích rằng nhà làm phim đã làm méo mó “hình ảnh gốc”, bỏ qua năng lực diễn xuất của diễn viên da trắng để nhận được sự ủng hộ của cộng đồng da màu và thu về nhiều lợi nhuận hơn.
“Blackwashing” xuất phát từ hai mục tiêu chính của nhà làm phim: sự đa dạng và doanh thu. Gói gọn trong nền công nghiệp điện ảnh Hollywood, khoảng 3, 4 thập kỉ trước, đa số khán giả là công dân da trắng, nhưng điều này đã thay đổi hoàn toàn trong hiện tại. Thị trường mở rộng đồng nghĩa với thị hiếu thay đổi, các nhà làm phim chọn thích nghi theo cách của họ để thu hút lượng khách hàng tiềm năng. Con người thích trên màn ảnh xuất hiện những nhân vật có sự tương đồng với mình – tâm lí này đã dẫn đến gần như một cuộc cách mạng màu da. Một số hãng phim chọn xây dựng lớp nhân vật hoàn toàn mới với những đặc trưng văn hóa, bản sắc đa dạng, nhưng cũng không ít nhà sản xuất muốn đổi mới nhân vật trên nền móng có sẵn. Chúng ta thích thú khi nhìn thấy hiện thân của châu Phi hùng vĩ trong Wakanda cùng người chiến binh T’Challa – 1344 tỉ USD doanh thu là một con số biết nói cho bộ phim về siêu anh hùng da màu đầu tiên của Marvel. Nhưng một James Bond hay Ariel da màu thì sao lại khó khăn đến thế? Làm mới một phiên bản đã tồn tại phải chăng là một thử thách lớn hơn nhiều khi công chúng bắt đầu ngờ vực liệu các nhà làm phim có đang chạy theo “cơn sốt đen” mà tước bỏ cơ hội của nhiều diễn viên da trắng.
Gần như có điểm tương đồng với “blackwashing”, “whitewashing” (tẩy trắng) là trường hợp một diễn viên da trắng đảm nhận vai diễn một nhân vật da đen hay da màu. Nhưng trong khi “blackwashing” nhận được sự ủng hộ lẫn chỉ trích từ dư luận thì “whitewashing” chỉ nhận lại sự chán ghét và bị cho là một trong những vấn nạn khủng khiếp nhất tại kinh đô điện ảnh. Việc này khiến nhiều ý kiến cho rằng “rửa đen” nên hoàn toàn bị tẩy chay như “người anh trước” của nó. Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận nghiêm túc rằng bản chất của “blackwashing” liệu có phải là sự phân biệt chủng tộc như phần nào công chúng gán cho.
“Whitewashing” có một “tuổi đời” khá đáng kể: từ kỉ nguyên phim đen trắng cho đến nay, từ hơn 5 thập kỉ trước khi nạn phân biệt chủng tộc Apartheid chấm dứt (1990) cho đến thời hiện tại với những dư tàn sót lại của vấn nạn này. Những bê bối có thể kể đến: “Dragonball: Evolution” – phiên bản điện ảnh của bộ truyện tranh Nhật nổi tiếng, bối cảnh châu Á đã bị chuyển thành vùng hoang mạc giữa lòng nước Mỹ và nhân vật chính Songoku trở thành một thiếu niên da trắng; hay trơ trẽn không kém là “Gods of Egypt” – bộ phim về những vị thần Ai Cập lại toàn do những diễn viên da trắng thủ vai. “Các diễn viên gốc Á như tôi đều được giải thích rằng chúng tôi không đủ gây chú ý, không xứng đáng với một vị trí trong xã hội này”- nam diễn viên gốc Á William Yu từng chia sẻ. Không ít diễn viên da màu đã quyết định từ bỏ màu da bản sắc để vượt qua rào cản của sự phân biệt năng lực vô lí này trong ngành giải trí.
Ngược lại, sự xuất hiện của “blackwashing” đã sự chấm dứt những thập kỉ dài người da đen, da màu chỉ toàn nhận vai phản diện, tội phạm hay quần chúng trong phim. Phẩm chất dũng cảm, sự thông mình và lòng tốt giờ đây được san đều trên những thước phim bất kể màu da. Việc cho rằng “blackwashing” có cùng “bản chất” với “whitewashing” là thiếu suy xét. Bởi trong khi “blackwashing” mở ra nhiều cơ hội và xóa bỏ những rào cản về màu da thì “whitewashing” không ngừng đặt ra những giới hạn và là hiện thân của nạn phân biệt chủng tộc.
Mulan là người Trung Quốc, Jasmine đến từ Ả Rập, còn Tiana là người Mỹ gốc Phi – đó là sự thật mà Disney sẽ không thay đổi, và sẽ là một điều phi lí nếu họ cố tình “nhuộm đen” mọi thứ. “Blackwashing” phải là sự tính toán kĩ lưỡng và sáng tạo không vượt ngoài khuôn khổ.
Nhưng hãy cùng nhìn lại Nick Fury và Mary Jane – liệu có một tư liệu chính thống quy định màu da hay đó chỉ là ấn tượng mạnh mẽ trong tranh minh họa đến nỗi trở thành quy ước? Hay nhìn vào sự thật rằng nàng tiên cá của Andersen không hề được đề cập rõ ràng về ngoại hình, chưa kể đến cốt truyện trong phim gần như độc lập hoàn toàn khỏi câu chuyện viết bởi nhà văn Đan Mạch. Trí tưởng tượng của chúng ta đã sáng tạo nên một Nick, một MJ, một Ariel của riêng mình và tưởng như duy nhất. Không chỉ bạn, việc hàng triệu người có cùng suy nghĩ đã hình thành nên một trật tự liên-chủ quan vốn không tồn tại, nhưng vững chắc đến nỗi một sự thay đổi cũng dễ dàng tạo ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ. Đôi khi cách tạo ra một thế giới tốt hơn chính là phá vỡ trật tự đó để xây nên một điều gì khác nơi những trẻ em da màu có quyền tự hào vì làn da giống nàng tiên cá, nơi mọi cô nàng có thể mơ mộng mình là MJ của một chàng Spiderman nào đó ngoài kia…
Luôn có những khoảng trống trong câu chuyện để dành cho sự tưởng tượng – hy vọng sự sáng tạo đó không chỉ là màu trắng mà là phần rực rỡ sắc màu của một tâm hồn cởi mở. Bạn đã sẵn sàng để thấy một Ariel khác chưa?
Bài viết: Thanh Ngọc
Thiết kế: Minh Thư