Để cân một thứ gì đó, người ta thường cần một cái bàn cân có trọng lượng tương đương. Khái niệm tương đương cũng thật vô chừng. Bàn cân của cô là loại 100kg. Giả sử một thứ nặng chừng 150kg trở lên đặt vào bàn cân đó, có lẽ cây kim sẽ bị hỏng. Nhưng nếu đặt một con kiến lên, cây kim sẽ không nhích và người ta cũng không biết thể trọng của nó là bao nhiêu. Rốt cuộc, để biết được thể trọng của thứ từ 150kg trở lên và con kiến, người ta cần hai cái cân khác nhau có trọng lượng tương đương hai vật đó. Như vậy nghĩa là thật ra trước khi cân một vật gì đó, người ta đã có sẵn ý niệm về trọng lượng của nó. Thế thì tại sao họ vẫn đặt nó lên bàn cân để rồi khi có kết quả, đôi lúc họ lại tiếp tục biến giá trị chính xác thành một giá trị tương đương?
Đến cuối cùng, cái cân không phải là thứ thông báo cho con người biết điều mà họ chưa biết. Nó chỉ là thứ dùng để xác nhận lại niềm tin về những ý niệm đã tồn tại trước đó trong chúng ta.
Cô không thích những câu hỏi dạng “có – không”, vì nó sẽ biến câu trả lời của người được hỏi hoạt động theo cơ chế của một cái cân.
“Em luôn nhớ đến người cũ, em chưa bao giờ thật sự yêu anh phải không?”.
“Nếu anh đã nghĩ như thế thì nó là như thế. Em không cần phải trả lời nữa”.
Cô luôn cố gắng thoát khỏi việc phải trả lời giống như một cái cân. Bởi vì khi đã có được câu trả lời, con người sẽ thỏa mãn và bỏ rơi nó… dù nó có cho ra kết quả như thế nào đi chăng nữa. Sự mập mờ, khó hiểu sẽ luôn là thứ thu hút người khác ở lại bên cạnh mình. Cô đã nghĩ như thế từ lúc người bạn trai cũ chia tay cô với lý do “cái gì về em, anh cũng biết cả rồi nên anh không còn cảm thấy…”. Vì vậy, khi quen người bạn trai mới, cô đã vô thức giữ cho mình khó hiểu. Và rồi anh cũng mới vừa chia tay cô vì lý do “anh không hiểu em đang nghĩ gì”.
Em chọn cho bầu trời một chiếc cân, cân có trọng lượng 46kg
Và như thế, em hạnh phúc với ý nghĩ
Bầu trời tối đa cũng chỉ bằng cân nặng của em
Em có thể đứng | thở | sống dưới khoảng không mang màu nỗi buồn ấy vì đâu phải trên em là một thứ có sức nặng vượt quá sự chịu đựng của bản thân…
Khi cô chết đi, cô không còn nhìn thấy bầu trời. Như thế, bầu trời cũng không còn tồn tại nữa. Vậy, việc chọn cho bầu trời có cân nặng 46kg là điều hợp lý. Ý tưởng về bài thơ cơ bản đã hoàn thành. Nhưng chỉ có 46kg thì đâu phải là bầu trời mập.
Đó là một bầu trời bị mây trắng choáng ngợp. Chỉ một vài khoảng màu xanh nhỏ len lỏi giữa màu trắng như những nhánh nước. Anh gửi bức hình đó cho cô kèm theo lời nhắn:
“Có lẽ đây là bầu trời hơi béo mà em đã viết chăng? Anh liên tưởng màu trắng của mây là sữa. Uống sữa nhiều thì sẽ béo. Vậy nên anh nghĩ bầu trời hơi béo là bầu trời có nhiều mây. Tặng em bầu trời hơi béo này. Hi vọng em thích. Em cũng nhớ uống sữa cho nhiều vào. Em ốm quá đó”.
Vì món quà tặng đơn giản đó, cô đã nhận lời làm bạn gái của anh. Sự thật thì “bầu trời hơi béo” là một sự nhầm lẫn. Ngày hôm đó cô viết tiếng Việt không dấu: “Chan qua. Bau troi bua nay hoi beo, khong co gi dac sac het”. Chữ mà cô đã muốn viết là “hơi bèo”, không phải “hơi béo”. Và chỉ vì muốn vực dậy tinh thần chán nản của cô lúc đó, anh đã cố gắng chụp hình một bầu trời mà anh nghĩ là hơi béo.
Cô nhớ anh. Cô không thể chối bỏ điều đó được nữa. Cô nhận ra đôi lúc có như một chiếc cân cũng chẳng sao. Nắm chặt chiếc điện thoại trong tay, cô mỉm cười nhắn cho anh dòng tin:
“Bầu trời của anh là bao nhiêu kg? Anh chọn loại cân gì? Anh à… bây giờ em sẽ đi uống sữa”.
Vũ Lập Nhật (Theo TTO)