(FTUNEWS) – Được mệnh danh là môn thể thao hàng đầu của trí tuệ, cờ vua đã thật sự là đấu trường thu hút những bộ óc thông minh và nhạy bén nhất của Ngoại thương tại FTUGames 2015. Chủ nhật ngày 22/11 vừa qua đã chứng kiến nhiều cuộc so tài căng thẳng và đầy hấp dẫn của bộ môn này.
- [FTUGames 2015] Bóng đá – Nghẹt thở trong từng pha bóng
- [FTUGames 2015] Bóng rổ – Những pha tranh đấu thú vị ngày 20/11
- [FTUGames 2015] Bóng chuyền – Nam nước rút, nữ xuất quân
Có mặt từ lúc 8h00 sáng tại hội trường A41, những vận đông viên của bộ môn cờ vua đã sẵn sàng trong tâm thế tự tin và thoải mái nhất. Như mọi năm, hỗ trợ cho BTC và các CTV năm nay chính là những trọng tài và giám sát vô cùng nhiệt tình đến từ CLB cờ của Đại học Văn Lang.
Bảng nữ – Ngôi hậu cho tân binh
Quy tụ nhiều tay cờ xuất sắc, bảng đấu cờ vua nữ với nhiều pha đấu trí căng não đã phải kéo dài hơn bốn tiếng đồng hồ trong suốt 7 ván đấu mới có thể tìm ra người chiến thắng. Sau khi nghe trọng tài công bố luật chơi và màn bắt tay, chào hỏi thân thiện, các cặp đấu nhanh chóng nhập cuộc với quyết tâm giành điểm ngay từ những lượt đấu đầu tiên. Càng về những lượt đấu sau, các trận đấu càng trở nên quyết liệt hơn khi điểm số xếp hạng của các kì thủ nữ sít sao hơn và những kì thủ dẫn đầu liên tiếp chạm trán nhau.
Các kì thủ nữ thi đấu quyết liệt ngay từ đầu
Với sự vắng mặt của các đàn chị K51, K52, cuộc thi nhanh chóng trở thành màn so tài của các thế hệ K53, K54. Sự ngang tài ngang sức thể hiện rõ qua từng lượt đấu với những tình huống lật ngược thế cờ đầy bất ngờ của các vận động viên. Nổi bật giữa dàn tân binh tài trí là những cái tên như Hoài Thanh (K54C), Thanh Ngân (K54A), Hoàng Phố (K54MF)…, đã ít nhiều gây khó dễ cho những gương mặt từng xuất hiện ở mùa giải trước.
Các kì thủ nữ tập trung cao độ trong từng ván đấu
Có thể nói, màn so tài giữa Hoàng Phố (K54MF) và Hoài Thanh (K54C) ở lượt trận thứ 3 là một trong những ván đấu để lại nhiều tiếc nuối nhất. Bước vào lượt đấu với mức điểm 3/3 ngang nhau, cả hai đều chứng tỏ sự ngang tài ngang sức của mình. Mười phút đầu tiên trôi qua với thế trận cân bằng, chênh nhau từng quân cờ và dường như chưa ai chịu ngã ngũ. Nhưng càng về cuối thì Hoàng Phố càng giành được nhiều lợi thế hơn bằng việc “cướp” mất nhiều quân chủ lực của đối phương. Tuy nhiên, khi chiến thắng đang đến rất gần thì cô gái này lại trở nên bất cẩn, vi phạm đến ba lỗi kỹ thuật, và cũng vì thế mà đành phải ngậm ngùi chịu thua.
Hoàng Phố thất bại đáng tiếc vì vi phạm 3 lỗi kĩ thuật
Qua từng lượt đấu, các cô gái càng bộc lộ rõ sự nhanh nhạy và quyết đoán của mình trong từng nước cờ. Đến lượt đấu cuối cùng, khi các cặp vận động viên đạt 5/5 và 4/5 điểm đối đầu trực tiếp với nhau để tranh chấp huy chương thì điều này càng được thể hiện rõ. Trận đấu giữa Hoài Thanh (K54C) với đàn chị từng đạt huy chương Đồng tại FTUGames 2014 Thùy Minh (K53B) diễn ra gay cấn, nghẹt thở. Cả hai nhanh chóng nhập cuộc với những nước cờ hiểm từ khá sớm, tranh nhau thế chủ động trên bàn cờ. Ở phút thứ tư, quân đen của Thùy Minh đã hoàn toàn nắm thế chủ động khi thu phục được cả hai quân mã từ Hoài Thanh, dồn đối phương vào thế. Ván đấu tiếp tục với sự cầm cự từ đôi bên cho đến phút thứ 9 khi tay cờ kỳ cựu Thùy Minh chính thức giành chiến thắng. Tuy nhiên, do thua về hệ số trước đàn em Thanh Ngân (K54A) nên Thùy Minh vẫn chưa thể chạm tay đến ngôi vô địch.
Chân dung ngôi hậu mới của cờ vua nữ – Thanh Ngân (K54A)
Kết quả chung cuộc: Huy chương vàng: Nguyễn Thị Thanh Ngân (K54A)
Huy chương bạc: Nguyễn Ngọc Thùy Minh (K53B)
Huy chương đồng: Trần Thị Thảo Phương (K53D)
Bảng nam – Ngôi vương đổi chủ
Cục diện ở bảng nam khá tương tự như bảng nữ. Các kì từng gặt hái những thành tích cao từ mùa giải trước như Bình Minh (K53C) hay Quốc Đạt (K53CLC1) vẫn thể hiện được bản lĩnh của mình. Tuy nhiên, các kì thủ kì cựu này cũng không khỏi bất ngờ trước sự tự tin và khát khao chứng tỏ bản thân của các tân binh như Viết Dũng (K54A), Phúc Hậu (K54CLC1), Thành Nam (K54C), … Chính thế hệ kì thủ mới này của Ngoại thương đã gây ra cho các đàn anh của mình không ít khó khăn và đem lại những kết quả bất ngờ cho giải đấu.
Thành Nam – một trong những phát hiện thú vị của giải đấu lần này
Ngay ở lượt thi đấu đầu tiên, đương kim vô địch Bình Minh đã phải “toát mồ hôi hột” mới có thể giành chiến thắng trước Phúc Hậu ở những giây cuối cùng. Trong suốt cả ván đấu, thế trận giữa hai bên hết sức cân bằng, giằng co từng nước cờ. Chỉ đến khi thời gian sắp hết, quân đen của Bình Minh mới hơn 1 tốt và đẩy tốt này xuống phong hậu, từ đó nắm ưu thế và giành chiến thắng ngay khi hết thời gian. Hay như ván đấu giữa đương kim á quân Quốc Đạt và Thành Nam ở lượt thứ 4, dù có lợi thế cầm quân trắng và nắm giữ lợi thế về thế trận, thời gian cũng như hơn đối phương 2 tốt nhưng Quốc Đạt không thể kết liễu ván đấu và đành chấp nhận kết quả hòa trước đối thủ tinh quái của mình.
Đương kim vô địch Bình Minh phải rất vất vả mới giành được chiến thắng trước các đàn em của mình
Buổi thi đấu càng trôi về những lượt cuối quyết định, các trận đấu càng căng thẳng và khó đoán hơn. Bước vào lượt đấu thứ 5, cả hai kì thủ Thành Nam và Viết Dũng đều đang bất bại và quyết tâm chiến thắng để nắm ưu thế trong cuộc đua xếp hạng chung cuộc. Dù phải cầm quân đen nhưng Viết Dũng lại nắm được lợi thế về thế trận sau hơn nửa thời gian của ván đấu. Cùng lúc đó, một chút căng thẳng về tâm lý khiến Thành Nam di chuyển ẩu tốt của mình khiến ưu thế về tốt nghiêng hẳn về quân đen. Viết Dũng lúc này đã nắm sẵn lợi thế với 2 quân xe nên kéo dãn đội hình cánh hậu của quân trắng buộc quân trắng phải chuyển qua bên cánh vua. Viết Dũng lúc này nắm lấy cơ hội tấn công dồn dập cánh hậu của đối phương và giành chiến thắng chung cuộc.
Với phong cách thi đấu bình tĩnh và quyết đoán, Viết Dũng liên tục giành chiến thắng
Tiếp đó, ván đấu ở lượt thứ 6 giữa Viết Dũng và Quốc Đạt chính có thể được xem là “trận chiến sinh tử” thật sự khi người giành chiến thắng trong ván đấu này sẽ chạm 1 tay vào chiếc huy chương vàng. Với tính chất quan trọng của trận đấu này, cả hai bên đều nhập cuộc thận trọng và thế trận diễn ra cân bằng trong những nước cờ đầu tiên. Bước ngoặt của trận đấu xảy đến khi quân đen của Quốc Đạt nhập thành nhập thành dài, quân trắng đẩy chốt lên ép mã (mã đang giữ tịnh). Quân mã buộc phải di chuyển đến vị trí khác dẫn đến tịnh bị xe ăn không. Lúc này do quân đen nhập thành dài lại bị hổng chốt ở biên (trong quá trình bị ép mã, quân đen bị hổng chốt biên gần thành) dẫn đến vua đen bị nhốt trong thành không có đường thoát. Chớp lấy thời cơ đó, trắng đẩy hậu lên cùng hàng với xe tạo thành thế công ép đen. Sau đó, trắng đẩy xe xuống chiếu. Vua đen di chuyển lên một ô. Tiếp đà công, quân trắng đẩy hậu xuống chiếu hết cờ. Viết Dũng chung cuộc giành chiến thắng thuyết phục trước đàn anh của mình.
Thất bại ở đáng tiếc ở ván đấu thứ 6 khiến Quốc Đạt lỡ hẹn với tấm huy chương vàng
Lượt đấu cuối cùng – lượt đấu thứ 7 diễn ra không thật sự hấp dẫn khi Viết Dũng đã cầm chắc chức vô địch khi hơn kì thủ xếp thứ hai là Bình Minh 1 điểm và có hiệu số khá cách biệt. Với ưu thế cầm quân trắng, Bình Minh nhanh chóng áp đặt thế trận khi Viết Dũng mất một tốt. Sau một hồi chống trả quyết liệt, quân đen đành chịu thất bại khi quân trắng phong hậu. Cùng lúc đó, với kinh nghiệm của mình, Quốc Đạt cũng nhanh chóng giành thắng lợi trước Phúc Hậu để giữ cho mình tấm huy chương đồng.
Kết quả chung cuộc: Huy chương vàng: Nguyễn Viết Dũng (K54A)
Huy chương bạc: Đặng Phan Bình Minh (K53D)
Huy chương đồng: Phạm Quốc Đạt (K53CLC1)
Ngày thi đấu khép lại cũng là lúc chúng ta tìm ra được những ngôi vương mới của cờ vua Ngoại thương và thật trùng hợp khi cả 2 kì thủ giành huy chương vàng đều là những tân binh đến từ Chi hội K54A. Với một loạt những kì thủ trẻ và tài năng, tin rằng, bộ môn cờ vua tại Ngoại thương sẽ ngày càng phát triển và chính thế hệ kì thủ này sẽ làm rạng danh người Ngoại thương tại những sân chơi lớn hơn sắp tới của môn thể thao trí tuệ này.
Lan Anh – Việt Đức