Sau một buổi chiều thi cử mấy môn thần thánh cuối cùng, tôi ngủ vùi vào giờ chạng vạng. Những cơn mơ lơ đễnh khiến tôi dậy theo một lẽ tự nhiên với đầu óc lưng chừng, vô định. Biết là không ngủ tiếp được nữa, tôi lê người ra khỏi nhà, tìm điều gì đó hay ho phía ngoài cánh cửa chung cư.
Như một thói quen của bọn sinh viên vốn đã chai mặt với thành phố, tôi biết giờ này chỉ nên đi đâu đó ở khu quận 1. Đâu cũng được, bởi Sài Gòn về đêm thiếu gì chỗ để chơi. Nhà hát thành phố giờ chắc còn đông vui?!
Một đêm mất ngủ giữa Sài Gòn
Ở ngoài này, nhìn xô bồ là vậy nhưng thực chất, giữa những con đường hoa lệ của trung tâm Sài Gòn, sau lung nhà hát thành phố lại là một chốn rất tình người. Tôi có thâm niên 3 năm lê lết ở đây và đến giờ vẫn còn gặp những ông anh kỳ cựu, ngay lần đầu gặp mặt đã khoe với tôi kinh nghiệm 4 năm ngủ lang nhà hát. Không phải họ rảnh rỗi ,đâu. Đối với họ, đó giống như một nơi chốn đi về vậy. Tan sở phải ghé qua, hẹn hò với các em xinh tươi xong cũng tạt sang mua của Bố ly café. Ở sau nhà hát, có những kẻ lãng mạn như thế!
Người ta đến đây như một thói quen khó bỏ
Suốt mấy năm trời, nhà hát vẫn vậy, nghiêm túc mà yêu đời. Chỉ có bọn người trẻ, đến rồi đi.
Đó là một chốn khá tĩnh của Sài Gòn hoa lệ
Qua 1h hơn, tôi rẽ sang Bùi Viện. Giữa một thành phố đang ngon giấc, Bùi Viện vẫn đập phá cả đêm, nhậu nhẹt suốt sáng. Điều hay ho nhất ở con phố này chắc chắn là Tây balo rồi! Mà ngộ, tôi có cảm giác như tất cả các anh Tây ở đây đều quen biết nhau. Như thể người ta lớn lên cùng nhau, trải qua giai đoạn trưởng thành cùng nhau hay cùng yêu một cô gái nào đó.
Họ hẳn cùng yêu một cô gái?
Chỉ cần ngồi một lát ở quán bia hơi lề đường, người ta rất dễ bắt gặp cảnh những bàn nhậu vốn ngồi riêng biệt bỗng gộp bàn và khoác vai nhau hò hét. Một anh Phi đen, nếu lỡ đi làm về muộn, cũng nhanh chóng chào lớn một tiếng nhiều nhóm bạn xung quanh rồi sà vội vào cái hôn của một cô Mỹ lai Á. Phố Tây là thế, mọi đường biên giới dừng tạm ở đầu ngõ, để dành cho 200m đường đi với hàng tá quán xá lớn nhỏ không gian chung của các màu da. Ở đây, tôi tìm được cái cô đơn rất thi vị của riêng mình. Cô đơn trong tiếng cạn ly và hô hào đủ thứ tiếng của những người xa lạ.
Một khu phố “bất trị” giữa lòng Sài Gòn
Một trong những chủ quán “huyền thoại” của phố Tây
La cà hàng quán được một lúc lâu, tôi muốn hóng gió. Đêm Sài Gòn cũng se se, kiểu cũng lạnh lẽo như bất kỳ thành phố nào khi về khuya. Tôi nghĩ, rồi đôi ba năm tới, Sài Gòn có giữ được sự bình yên hiếm hoi trong vài giờ giao ngày như vậy không? Hay bọn trẻ sẽ lại chiếm lấy hết, như cái cách mà chúng nó – bọn tôi đã đẩy giờ ngủ từ 23h sang tận 2h sáng vậy. Nếu có một lúc như thế, một lúc mà Sài Gòn không tài nào ngủ được kể cả trong những canh giờ vàng ngọc của đêm khuya, chắc tôi sẽ thấy hụt hẫng lắm. Đây hẳn là cái tiếc nuối mà ba mẹ từng cố tâm tình với tôi?
Thế rồi tôi lang thang vài khu chợ. Chợ tầm chớm sáng có cái đẹp rất riêng. Đặc biệt là những chợ rau, khi các chuyến xe chở đầy màu xanh và hơi lạnh từ Đà Lạt cập bến thành phố, nó khác hoàn toàn với những gian hàng nhiều toan tính của buổi ngày. Tôi tạt sang đây chỉ vì đói quá, mà giờ đó, chỉ có gần chợ, người ta mới bán những dĩa bánh cuốn khói nghi ngút. Vì kẻ bán rau cũng cần tươi mà!
Con người lọt thõm giữa màu xanh của tự nhiên
Nhìn thấy rau, tôi bỗng muốn đến chợ hoa. Có lẽ sau một hồi mát mắt với màu xanh, tôi cần chút gì đó màu mè và lãng mạn hơn.
Rõ ràng là màu mè hơn hẳn
Chợ hoa Hồ Thị Kỷ, khu vườn duy nhất mà tôi biết trong thành phố. Sắp 4h, những cô gái của chợ Hồ Thị Kỷ nhẹ nhàng nâng từng bó hoa đặt vào vị trí đã định. Thấy tôi hào hứng ghi lại vài khoảnh khắc của các ô màu tự nhiên, nhiều cô chủ nhỏ cũng rất sẵn lòng bật thêm đèn cho bức ảnh lung linh. Thật hay, tôi không biết có phải vì hoa mà người ta trở nên nhã nhặn hơn các món hàng khác không? Dù sao cũng nên tin một điều rằng, để bán được những cái đẹp, hẳn người ta cũng có một tâm hồn nhiều màu sắc.
Hoa phải chăng làm con người trở nên nhã nhặn hơn
Những ô màu đầy quyến rũ của hoa Dalat
Đường cùng trong một đêm mất ngủ, tôi chợt nhớ đến bức ảnh mới đây của một ông anh, ghi lại khoảnh khắc mặt trời mọc trên cầu Phú Mỹ. Uh, ở đây cũng tận 3 năm mà tôi chưa từng ở đâu đó bên ngoài bốn bức tường trong buổi đầu ngày. Chắc phải đi cho biết.
Thành phố nhìn từ cây cầu dây văng dài nhất qua sông Sài Gòn nhỏ và tối hơn tôi nghĩ. Hoặc cũng có thể là ở tầm 5h sáng, nhiều cao ốc đã tiết kiệm điện mà tắt đèn đi rồi.
Sài Gòn cũng đâu có gì ghê gớm lắm?
Ngồi lọt giữa hai dây văng cao vút, tôi thấy mình cứ kiểu ngô nghê thế nào. Đó là thứ cảm xúc khi chẳng ai chờ đợi mình ở nhà, bản thân cũng chẳng đợi chờ điều gì từ ai. Thấy mình teo tóp trên một công trình vĩ đại, chỉ cần một cái thở dài của nó là mình đủ đi tong một đời xanh tươi. Vậy mà trong thoáng chốc nào đó, tôi cũng thấy mình ghê gớm lắm. Giữa lúc những kẻ phi thường của thành phố ngủ ngon như một đám mèo bình thường, tôi lại thức thao láo như một kẻ bất thường trong thời điểm vô thường như thế. Kể cũng hay ho!
Liệu có một đêm nào đó mất ngủ, tôi được leo lên đỉnh của cọng văng này không?
Tôi định bụng lên đây sẽ ngồi chờ mặt trời lên, đón những tia nắng đầu tiên chiếu qua song dây văng theo kiểu mất ngủ lãng mạn. Lãng mạn như những hình ảnh tôi lượm được trên mạng như thế này:
Nhưng thiệt tệ, hôm đó là một ngày mù mịt trời sương và mây. Mà cũng đến hôm đó tôi mới nhận ra tại sao mây ở Sài Gòn xấu quá. Bởi nó đặc quánh các thể loại khói bụi của con người.
Và đây là bình minh của tôi.
Mặt trời lên sau làn sương, hút mọi khí ẩm trong không khí lên cao mặt người. Thành phố chìm trong lớp hơi nước hoang ảo, pha chút xám xịt và nâu đồng của khói nhà máy. Sài Gòn đâu có tội tình gì?!
Khói làm khu bến tàu mờ mịt trong sáng sớm
Thành phố quánh lại bởi một loại sương không thơ chút nào
Có một vấn đề xảy ra chất chợt khiến tôi phải về sớm, không kiên nhẫn đợi mặt trời ló dạng khỏi đám mây mù nữa. Uh, ly café nhà hát của Bố, từ mấy ly bia hơi của phố Tây và chai sữa đậu nành bên hông chợ rau… tôi phải về đi tè! Nhưng rồi nhủ lòng, tối nay chắc lại mất ngủ tiếp vậy. Bởi Sài Gòn rộng lớn mà đáng yêu.
Vi Nguyễn