(FTUNEWS) – Viral video là thuật ngữ không mấy xa lạ với dân truyền thông, chỉ một đoạn video ngắn sử dụng Internet làm phương tiện truyền thông đến nhiều người. Với sự xuất hiện gần đây của công cụ này, liệu nó sẽ là “cánh tay đắc lực” cho các ngành truyền thông trong tương lai hay chỉ là “những xu hướng thế hệ mới”?
- Nước cờ mới mang tên: Tài năng nhí?
- Kingsman: Phim hành động bao giờ lại như thế?
- Thương hiệu Việt: Gia tài bị bỏ ngỏ
Sự bùng nổ của “virus” viral
Khi một video được chia sẻ từ người này sang người khác theo cấp số nhân với tốc độ chóng mặt, điều đó có nghĩa là video đó đã “phổ biến” mà thuật ngữ chuyên ngành hay gọi là “Go viral”. Hiện nay, khái niệm này không còn xa lạ đối với dân Marketers tại Việt Nam bởi rất nhiều người đã chọn sản xuất dạng video này để quảng bá thương hiệu của mình. Trong khi các doanh nghiệp hàng năm phải đầu tư những khoản tiền khổng lồ cho việc quảng cáo sản phẩm theo phương thức truyền thống thông qua báo giấy, banner, TV… thì Viral video xuất hiện giống như một làn gió mới mang tới một xu hướng quảng cáo khác biệt: “quảng cáo như không quảng cáo” với những ưu thế vượt trội về lợi ích kinh tế và hiệu quả Marketing online đáng kinh ngạc.
Tại sao Viral clip lại làm được thế? Theo nghiên cứu của Mic.com, CEO Chris Altchek tuyên bố rằng: “Khi so sánh về thời lượng mà khán giả bỏ ra để xem video so với đọc chữ, câu trả lời không mấy ngạc nhiên. Khán giả dành 75% thời gian để xem các nội dung hình ảnh như video, chứ không phải bài viết bằng chữ”. Thay vì phải đọc một bài báo dài hai, ba trang, họ có xu hướng thích xem một đoạn video ngắn có hình ảnh và âm thanh, nội dung theo đó cũng được tóm gọn súc tích hơn.
Một lí do nữa là các “video phổ biến” tập trung đánh vào các giác quan siêu nhạy của con người là thị giác và thính giác. Khi hai giác quan này được thỏa mãn, con người có xu hướng muốn nhiều hơn nữa hoặc muốn lưu giữ nó bằng cách nhấn “chia sẻ”. Không chỉ đáp ứng khoảng “nghe” và “nhìn”, Viral video còn tiến xa hơn bằng cách truyền tải thông điệp giàu ý nghĩa nhân văn, hay chỉ đơn giản khơi dậy cảm xúc trong người xem, buộc họ phải tương tác với video. Nắm bắt xu hướng thị trường hiện tại, thấu hiểu thị hiếu của người tiêu dùng – đó là cách con “virus” viral video xâm chiếm thế giới của con người.
Cái giá của “phổ biến”
Cái giá theo nghĩa đen của một viral video cũng khác nhau, tùy theo định dạng. Một vị trí quảng cáo trên video có thể được trả 27$ cho mỗi 1.000 lượt xem, trong khi một mẩu quảng cáo tương tự xuất hiện trong bài viết chỉ mang về khoảng 50 cent. Con số trên được tiết lộ bởi Brian Mandelbaum, CEO của Clearstream, một agency chuyên về quảng cáo video.
Không những chi phí đắt đỏ, sự xuất hiện của các video phổ biến trong tương lai liệu có đặt một dấu chấm hết tròn trĩnh cho ngành báo chí truyền thống khi mà càng ngày, các tòa soạn càng chuyển sang loại hình truyền thông mới này? Đơn cử như Mic, một website tin tức nhắm đến thế hệ millennial (những người sinh ra trong giai đoạn 1980-2000) đã sa thải 10 tay viết, khi quyết định chuyển hướng sản xuất ra nhiều video hơn cho các nền tảng phân phối như Facebook. Không chỉ ở Mic mà hàng loạt phóng viên, biên tập viên khác cũng mất việc tại các nhà xuất bản nội dung hàng đầu như Vocativ, Fox Sports, Vice và MTV News. Tất cả đều quy về một mối: các công ty truyền thông cần tập trung nhiều nguồn lực hơn để sản xuất nội dung video.
Chính vì các doanh nghiệp đều tập trung sản xuất viral video ồ ạt dẫn đến thị trường này dần trở nên bão hòa. Có không ít clip được đầu tư, triển khai với chi phí không hề nhỏ lại bị chìm vào quên lãng do chỉ tập trung vào thương hiệu mà quên mất nội dung cốt lõi, giá trị nhân văn mà người xem muốn thu nhặt. Một số khác có tính lây lan rất cao, nhưng lại không tạo được sự kết nối với thương hiệu hay nói đơn giản, người xem nhớ đến video clip mà không nhớ đến thương hiệu, vì thế, mang lại hiệu quả thấp.
Không ai có thể chối bỏ việc các chiến dịch viral có tác động đến nhận thức của khách hàng và ảnh hưởng đến việc lựa chọn và mua các sản phẩm. Tuy nhiên, cần suy tính kĩ việc sử dụng viral marketing, bởi nó chính là con dao hai lưỡi, có thể nâng tầm thương hiệu, cũng có thể khiến thương hiệu trả giá đắt.
Ngọc Nhi
(Tổng hợp & phân tích)