(FTUNEWS) – Đánh cắp thông tin, phản bội lòng tin – những “tội danh” mới nghe qua cũng đủ để Facebook bị người tiêu dùng tẩy chay. Thế nhưng, ngoài hành vi “xâm hại quyền bảo mật thông tin của công dân”, còn bản án nào chưa được nhắc đến trong phiên điều tra mà “tên tội phạm” có sức ảnh hưởng toàn cầu này phải gánh chịu?
- Recap Training Day IN YOUR EYES 2018
- MILLENNIALS – MỘT THẾ HỆ CÔ ĐƠN?
- “Trạm cảm hứng” – Nơi những cảm xúc được gọi tên
Văn án
Facebook đã tạo ra một “cuộc cách mạng” kì diệu khi phá bỏ mọi giới hạn về không gian địa lý, biên giới quốc gia, những rào cản về sắc tộc,… để kết nối con người và tạo nên một “quốc gia” đông dân nhất thế giới. Không những thế, người điều hành quốc gia này còn nắm rõ ước muốn của từng công dân để tạo nên những liên kết trùng khớp nhất. Khi bạn đang muốn mua son, bảng tin của bạn sẽ xuất hiện ngay một danh mục sản phẩm son giảm giá. Lúc bạn đang muốn học hỏi kinh nghiệm kinh doanh, lập tức có người nhắn tin mời bạn cùng khởi nghiệp. Đó không phải là ngẫu nhiên, mà chính ở khả năng “se duyên” rất “mát tay” của hệ thống hiểu người dùng này.
Thế nhưng, khi kết nối được hình thành, các “liên kết lỗi” cũng dần nảy sinh. Chúng ta bắt đầu cháy túi vì những gợi ý mua sắm dày đặc, chúng ta vướng vào những vụ làm ăn lừa đảo, những cuộc tình chóng vánh với những người bạn do Facebook giới thiệu. Bấy nhiên “liên kết lỗi”, nối kết những người đáng lý không nên gặp đủ để ta hoài nghi: Một công cụ kết nối những kẻ vốn dĩ “không thuộc về nhau” có xứng đáng được tồn tại hay không?
Lời biện hộ
Vấn đề lúc này mà Facebook đang mắc phải dường như không còn là xin lỗi hay không xin lỗi, bồi thường hay không bồi thường, mà là: Sống hay là chết. Và giả như đây là một phiên tòa thực sự, tôi tin chắc rằng, bị cáo sẽ dùng hết lý lẽ để “minh oan” cho chính mình.
Họ có thể biện hộ rằng, chúng tôi chỉ kết nối người bán và người mua. Còn người bán quảng cáo sản phẩm với đạo đức nghề nghiệp thế nào, cũng như người tiêu dùng có quyết định mua dựa trên trí thông minh ra sao, không phải việc của tôi. Họ sẽ dõng dạc tuyên bố rằng, chúng tôi giúp những kẻ có cùng “tần số” gặp nhau, nhưng họ yêu nhau ra sao, đánh giá về nhau như thế nào, lại là việc của họ. Họ có đầy đủ bằng chứng để nói rằng, chúng tôi gợi ý cho người dùng những người bạn, nhưng “chấp nhận” hay “từ chối” tùy thuộc vào cái click chuột của con người.
Cái sai không nằm ở bản chất, mà nằm ở cách nhìn nhận về bản chất. Chính con người đã “tô hồng” cho thế giới ấy, để rồi một ngày họ vỡ mộng vì không tìm được một anh người yêu chuẩn “soái ca” trong những lần “yêu xa”, hay không thể làm giàu khi chỉ giỏi làm “anh hùng bàn phím” trước màn hình máy tính.
Tuyên án
Có người sẽ cho rằng, Facebook đơn thuần chỉ là một công cụ, và cách sử dụng nó như thế nào là do con người quyết định. Con người đang “nhân cách hóa” một thứ vô tri vô giác để đổ lỗi cho những sai lầm của chính mình. Facebook là người bị hại, còn chúng ta là những kẻ “vừa ăn cắp vừa la làng”.
Cũng có người sẽ cho rằng, chính cái “ẩn danh” của Facebook cùng với những lời quảng cáo “có cánh” khiến con người mất lý trí, vướng vào vòng lao lý. Facebook “bán đứng” lòng tin của ta. Và ta “chết đứng” vì nhận ra bản thân mình bị phản bội.
Facebook hay người dùng đều không hoàn hảo. Facebook được tạo ra với mục đích lợi nhuận, và theo sau đó, rủi ro đạo đức là điều khó tránh. Con người luôn mong muốn được kết nối, về khao khát đó có thể khiến con người “mất khôn”. Vấn đề ở đây chính là nỗ lực song phương: Facebook được lập trình đúng cách và con người biết sử dụng đúng cách, chứ không phải là sự đổ lỗi “tay đôi”: Facebook bảo người dùng ngu ngốc và người dùng bảo Facebook có nhân cách tồi.
Bài viết: Lan Trinh
Hình ảnh: Tiến Khải