Đã bao lần thảng thốt, thắt lòng khi nghe thông tin về tình hình biển đảo quê hương nhưng giờ đây con tim tôi vẫn không khỏi rung lên giai điệu Tổ quốc khi ánh mắt chợt dạo nhìn trên những môi cười và ánh dương quân phục của các anh. Hình ảnh Trường Sa, Hoàng Sa thân yêu thoáng hiện về. Những con sóng chập chùng xô vào tiềm thức, tôi chợt nhớ về những rung động tài hoa trong từng khúc nhạc Trịnh: “…Biển sóng, biển sóng đừng xô nhau. Ta xô biển lại sóng về đâu. Sóng bạc đầu và núi chìm sâu, ta về đâu đó…”, “…Biển có buâng khuâng gọi thầm… bàn tay nghe ngóng tin sang…” Bao âm điệu tinh tế gieo rắc vào lòng người Việt Nam yêu nước càng vang lên giục giã, xao động mỗi khi bờ cõi lâm nguy. Người Việt Nam dù sống ở đâu, ngay cả trên đất mẹ hay sống xa Tổ quốc, kể cả ở miền sơn cước xa xôi thì hình như trong sâu thẳm tâm hồn họ, bao giờ cũng nghe được tiếng rì rào của biển cả, nghe tiếng “sóng nước trùng dương dài theo bờ cát” để rồi không khỏi nghe ngóng, chờ đợi, khắc khoải lo âu tin tức từ những dãy đảo xa.
Mỗi con người từ lúc mới sinh ra đã được nuôi nấng bồi đắp tâm hồn từ trong câu hát ru của mẹ về nòi giống “Con rồng cháu tiên”. Ta sinh ra từ người cha biển cả, từng ngọn sóng xanh ào ạt đập vào bờ cát như từng ngày bồi đắp, nuôi dưỡng sự sống, tâm hồn ta. Dòng nước trong xanh cho ta từng khoang cá no đầy, đất đảo quê mẹ che chở ta trước những con sóng to gió lớn. Rồi đâu đó, từ đất liền nhìn về những ngọn đảo ở xa tít chân trời, có những ai đó cũng đã hay đang sống trong sự chờ đợi như mẹ Âu Cơ thuở ấy. Bởi vì thế mà từ trong tiềm thức mỗi con người, mỗi khi được nhắc về biển đều thổn thức bao cảm thức lạ kì. “Ơi biển Việt Nam, ơi sóng Việt Nam”. Ôi! Quê hương tôi đó!
Những người lính biển vội vã khoác balô lên vai và lao vội ra đường tàu. Vài phút trò chuyện ngắn ngủi ở sân ga trưa hôm ấy cũng đủ để tôi hiểu và thầm khâm phục họ. Là những người tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ đợt này, họ sẵn sàng gác lại tuổi mười chín, hai mươi với bao hy vọng, hoài bão trên ghế nhà trường để lên đường bảo vệ đất đảo thiêng liêng của Tổ Quốc. “Mong ước lớn nhất của mình là chuyến này được ra Trường Sa” – giọng nói ấy, ánh mắt ấy như thể hiện tất cả nhiệt huyết của tuổi trẻ, tinh thần thanh niên đối với đất nước. Những người lính biển lên đường đến đơn vị mới nhận nhiệm vụ, để lại trong ánh mắt gia đình, người thân và cả thế hệ trẻ chúng ta bao niềm tự hào, hãnh diện, như tấm gương sáng soi lên lý tưởng và lẽ sống của thanh niên. Nhìn các anh và thầm nghĩ về mình, chắc rằng sống không quá thờ ơ với tình hình đất nước, biết lên tiếng và hành động phù hợp với khả năng của mình, rèn giũa nhân cách đạo đức, trau dồi kiến thức, trí tuệ từ khi còn ngồi trên giảng đường là cách tốt nhất mà thế hệ sinh viên chúng ta có thể làm khi không trực tiếp nơi đầu sóng ngọn gió như các anh. Nơi đảo xa trập trùng khó khăn, nguy hiểm, nhưng chúng tôi tin các anh làm được điều mà cha ông ta đã làm từ khi mang gươm đi mở cõi – bảo vệ từng tất đất thiêng liêng của Tổ quốc. Mong các anh sống khỏe và hoàn thành nhiệm vụ.
Mong cho đất đảo sớm bình yên để các anh lại trở về bên gia đình,bè bạn.
Mong cho một ngày mai trời yên biển lặng, sóng gió qua đi để “biển lại hát tình ca, biển kể chuyện quê hương”.
Công Thư
* Bài viết được đăng trên FTUNEWS số tháng 10/2011, download tại ĐÂY.