Joe Ruelle được cộng đồng mạng Việt Nam gọi là Mr. Dâu Tây, nổi tiếng với cách viết blog và cuốn Tớ là Dâu (2007), bán rất chạy. Để đánh dấu năm 2012, Joe Ruelle vừa tung tin về cuốn Ngược chiều vun vút (NXB Hội Nhà Văn và Nhã Nam) trên mạng thì đã có hơn 2.000 lượt người đăng ký mua.
– Khoan đi vào nội dung cuốn sách, xin hỏi Joe về trải nghiệm tiếng Việt, cuốn sách vừa xuất bản khác với Tớ là Dâu ở những điểm nào?
Tôi nghĩ chỉ cần hình dung một đứa trẻ 12 tuổi và một đứa bé sáu tuổi là có thể hiểu sự khác biệt giữa hai quyển đó. Quyển mới cũng có nhiều bài lấy từ cách đây mấy năm nên rất khó xác định thời cũ kết thúc ở đâu, thời mới bắt đầu lúc nào. Thêm một sự khác biệt cụ thể là các bài trong quyển Tớ là Dâu chủ yếu viết lúc đang yêu, còn các bài trong quyển Ngược chiều vun vút thì không. Vậy nên quyển mới phản ánh suy nghĩ của một người đến tuổi phải có gia đình nhưng vẫn cứ thích ở một mình.
– Còn những ưu tư hay sự quan tâm về đời sống, văn hoá, con người… có khác nhau nhiều không?
Nếu đem đời sống so sánh với căn bệnh thì trước đây tôi quan tâm nhiều đến các biểu hiện, còn giờ tôi hay tập trung vào nguyên nhân gây bệnh. Trước đây tôi nghĩ: “Thật lạ khi mở miệng ra thấy những chấm trắng nhỏ bằng đầu đinh ghim”, còn giờ tôi nghĩ nhiều hơn về hệ thống miễn dịch, về những vi khuẩn vui tính đang bơi thoải mái trong dòng máu người ta. Có lẽ đó là so sánh hơi tiêu cực, nhưng tôi vẫn thích tính minh hoạ của nó. Hơn nữa, có những người yêu vi khuẩn và thích ngồi ngắm những chấm trắng nhỏ bằng đầu đinh ghim.
– Joe từng dùng cụm từ “tai nạn văn hoá” vài lần, trong cuốn sách này cũng thế, Joe có thể ví dụ và cắt nghĩa nhiều hơn về điều này được không?
Đơn cử như chuyện một ông Tây rất sợ ăn bánh chưng, một gia đình Việt lại muốn chia sẻ văn hoá ẩm thực – coi như hai xe máy đang đi ngược chiều nhau với tốc độ cao. Một ví dụ nhẹ nhàng, còn tai nạn xảy ra như thế nào thì mọi người có thể tự hiểu. Nhưng không vì dùng từ “tai nạn” mà bỏ qua chất tích cực của chúng. Mỗi khi chứng kiến những cảnh trên, tôi nghĩ đến các chiếc máy gia tốc hạt hiện đại. Chúng nó thiết kế để tạo va chạm trực diện giữa các loại hạt cơ bản với động năng cực lớn – từ đó các nhà vật lý học sẽ hiểu thêm về vũ trụ, về những sự thật áp dụng với tất cả mọi người. Tôi hay “tâm sự vui” là rất sợ gây ra tai nạn văn hoá nhưng thực tế nếu tôi đã gây chút va chạm ở giữa vài hạt cơ bản thì đó là niềm tự hào chứ!
– Nói như vậy, thì điều gì mà Joe nghĩ là thay đổi lớn của bản thân trong việc cầm bút hiện nay?
Tôi cảm thấy đỡ ngại hơn. Trước đây tôi vẫn cảm thấy mình là khách mời ở Việt Nam; không chỉ thế mà là khách mời được người Việt chào đón một cách nhiệt tình. Dù là vinh dự nhưng điều đó có cái áp lực của nó. Giờ tôi đã ở Việt Nam gần mười năm rồi, áp lực đã bỏ bớt. Tôi thấy mình một phần là người trong nhà, có thể mặc quần đùi xuống tầng một pha trà rồi cầm ly lên tầng hai viết tiếp.
Nhiều khi điều thay đổi không phải là cái nhìn văn hoá của tôi mà là khả năng diễn đạt cái nhìn đó. Trước đây tôi đã có nhiều nhận xét muốn nói nhưng không có cách nào biến thành câu chữ, nên thôi. Xét cho cùng, việc viết bằng ngôn ngữ thứ hai nhiều khi là ác mộng khủng khiếp, đặc biệt trong lúc trình độ phát triển nhanh. Tôi nhìn lại các bài viết cách đây vài năm là muốn viết lại hết, thấy không còn xứng đáng với khả năng của mình. Tất nhiên nỗi ám ảnh đó vẫn xảy ra đối với tiếng mẹ đẻ nhưng ở mức độ nhẹ hơn. Tôi xem lại các bài tiếng Anh của mình viết cách đây năm năm, vẫn thấy tương đối hài lòng. Chúng nó đúng là bài viết của mình. Thế mà khi xem lại các bài tiếng Việt cũ, tôi thấy xấu hổ. Không phải xấu hổ “toàn phần” (tôi công nhận các bài viết ấy dễ thương và có chất sáng tạo của một người chưa biết diễn đạt một cách bình thường) nhưng vẫn xấu hổ một chút, vẫn ngứa mắt một cách… chỉ có nhà văn mới hiểu.
Hiền Hòa – Theo SGTT