Xuất phát từ một trong những nàng thơ (Muse) của thần Zeus, bước vào thời đại thương mại hóa, âm nhạc bỗng chốc thoát khỏi dáng dấp trong trẻo, ngây ngô, phút chốc lột xác thành một tay đua cừ khôi cùng những chiến tích “siêu khủng” cho nền kinh tế.
- Gót chân ngọc: Hành trình khẳng định bản lĩnh người phụ nữ
- 100 độ “ngon” Ngoại thương
- Điện ảnh Việt: Cuộc đua trăm tỷ hay đấu trường “drama” không hồi kết?
Đời sống con người càng trở nên dư dả, nhu cầu giải trí càng tăng cao, thậm chí việc lắng nghe những thanh âm bay bổng đã trở thành nhu cầu thiết yếu. Chính vì thế, doanh thu của ngành giải trí nói chung, và ngành âm nhạc nói riêng đang trên đà tăng trưởng với tốc độ chóng mặt. Theo số liệu của KCCA, chỉ trong vòng 5 năm (từ năm 2011 đến 2016), số lượt xem trên Youtube của nền âm nhạc Hàn Quốc đã tăng gấp 3500, tương ứng với doanh thu năm 2016, chỉ tính tại thị trường nước ngoài lên đến 4,7 tỷ USD. Internet phát triển, đồng nghĩa với việc tiếp cận âm nhạc trở nên dễ dàng hơn, theo đó, cũng kích thích hành vi stream nhạc, tải nhạc nhanh hơn. Theo báo cáo của RIAA (Hiệp hội ngành Công nghiệp Thu âm Hoa Kỳ), chỉ trong vòng 9 tháng đầu năm, doanh thu tại Mỹ trên nền tảng trực tuyến lên đến con số 3,4 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng trung bình của dịch vụ này hiện tại được ước tính sẽ đạt 1 triệu lượt đăng ký mới mỗi tháng.
Một trong những lý do đem lại thành công cho ngành công nghiệp “hái ra tiền” này chính là khả năng đáp ứng nhu cầu vô cùng phong phú. Không chỉ đem lại những giai điệu thỏa mãn thính giác, sự ra đời MV ca nhạc (music video) đã đem đến một giải pháp tổng hợp, kết hợp hài hòa giữa bản nhạc, cảnh quay và câu chuyện, đem lại những trải nghiệm thú vị trên cả ba phương diện nghe – nhìn – cảm nhận. Không dừng lại ở đó, concert, fan meeting,… còn đem đến cho khán giả sự tận hưởng đầy đủ của năm giác quan, cộng thêm ưu đãi giao lưu, chụp ảnh cùng thần tượng. Với nền tảng thu lợi nhuận “đa kênh”, nếu thất thu ở khoản nhạc số, sản phẩm âm nhạc hoàn toàn có thể được “bù lỗ” trong những tour diễn bởi fan trung thành. Nói một cách nôm na, doanh thu, chạy đâu cũng khó thoát.
Lĩnh vực hoạt động của ca sĩ ngày càng được mở rộng. Giờ đây họ không chỉ đơn thuần mang đến giọng ca, mà còn trở thành “influencer” – những người có ảnh hưởng lớn đối với lối sống và hành vi của giới trẻ. Hành vi giới thiệu sản phẩm của nghệ sĩ có thể là những status trên mạng xã hội, và cũng có thể là những lần xuất hiện “vô tình” trước công chúng. Đơn cử có thể kể đến trường hợp của Kang Daniel cùng chiếc áo khoác diện trong một lần ra sân bay. Sau sự kiện đó, chiếc áo khoác dường như “cháy hàng” và nhanh chóng được sản xuất thêm với khối lượng lớn. Trường hợp xảy ra tương tự với chiếc quần legging được Naeun (Apink) mặc trong video luyện tập vũ đạo, sau khi video ra mắt, chiếc quần legging này đã trở thành “best- seller” của năm. Đó chính là lý do vì sao những tập đoàn lớn, kể cả Samsung, Channel, Pantene,… luôn chi mạnh để tìm ra đại sứ phù hợp cho sản phẩm.
Nhắc đến làn sóng Hallyu, một nghiên cứu tại Hàn Quốc đã chỉ ra: “Cứ 100 USD sản phẩm âm nhạc được xuất khẩu, sẽ có khoảng 395 USD sản phẩm công nghệ thông tin được xuất khẩu theo”. Sự lan tỏa của làn sóng dường như định vị nên hình ảnh của một đất nước Hàn Quốc “rực rỡ và đầy ước mơ” trong tâm trí của khách hàng, đặc biệt là giới trẻ. Từ mỹ phẩm Hàn Quốc, món ăn Hàn Quốc, thậm chí hệ thống siêu thị Hàn Quốc đều được người tiêu dùng ưa thích. Thậm chí, tại Việt Nam, với các bà nội trợ, từ “Hàn Quốc” đồng nghĩa với “chất lượng cao”, và đối với giới trẻ, nó lại có nghĩa là “sành điệu”.
Không chỉ trực tiếp tạo ra doanh thu, âm nhạc trở thành hình thức “quảng cáo trá hình” bậc cao, là bước đệm hoàn hảo để phát triển những ngành công nghiệp khác. Tại Việt Nam, chúng ta đều chứng kiến “Đi để trở về” đã đem lại sức lan tỏa thương hiệu lẫn doanh thu cho Biti’s thế nào hay sức hút của Mỹ Tâm đã đem lại hiệu ứng phòng vé “Chị trợ lý của anh” ra sao. Ngành công nghiệp âm nhạc dường như cất giấu trong mình tiềm năng khai phá vô tận.
Cùng với những thành công “khó tưởng tượng”, những vấn đề cũng dần dà nảy sinh. Cùng với quy luật cung – cầu, nhiều người cho rằng, những sản phẩm âm nhạc chất lượng thật sự đang dần mất đi chỗ đứng, thay vào đó là những bài nhạc thị trường chạy theo thị hiếu của số đông. Âm nhạc trở thành một món hàng đúng nghĩa, sự trân trọng từ khâu sản xuất, qua khâu lưu thông, đến khâu tiêu dùng cũng giảm đi đáng kể so với thời gian trước đây – khi âm nhạc còn là một nhu cầu tinh thần cao quý. Vấn đề tài năng của người ca sĩ cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhiều nhà phê bình âm nhạc cho rằng: ngày nay người nghệ sĩ quan tâm quá nhiều đến ngoại hình, khả năng nhảy, biểu diễn trên sân khấu, mà quên mất là ca sĩ, năng lực quan trọng và thiết yếu đầu tiên chính là hát. Theo đó, những vấn đề hát nhép, sử dụng “auto-tune” quá đà hoặc “bình hoa di động” cũng đặt ra những hoài nghi về tài năng thực sự của người làm nghệ thuật.
Sự hỗ trợ hoàn hảo của truyền thông, PR, marketing cũng là một trong những vấn đề khiến báo chí tốn không ít giấy mực. Không ai có thể phủ nhận, vụ lùm xùm với Kanye West chính là bước đệm hoàn hảo cho album Reputation của Taylor Swift. Hay nghi án đạo nhái “We don’t talk anymore” là hiệu ứng gây chú ý mạnh mẽ cho “Chúng ta không thuộc về nhau” của Sơn Tùng. Liệu rằng, những sản phẩm âm nhạc ngày nay cần một chiến lược hoàn hảo hay chất lượng thật sự?
Ngành công nghiệp âm nhạc cùng những thành quả ngoài mong đợi là điều không ai có thể phủ nhận. Thế nhưng, những trăn trở trên lại đặt ra một nhiệm vụ quan trọng không kém, đó phải là sự phát triển song phương đem lại lợi nhuận, và đưa nghệ thuật lên những tầm cao mới.
Bài viết: Lan Trinh
Thiết kế: Sáng