(FTUNEWS) – Confessions (tạm dịch: lời thú tội) là xu hướng ra đời vào năm 2012 tại Việt Nam với mục đích ban đầu giúp mọi người bày tỏ bí mật của mình một cách thầm kín đến đối tượng nhất định. Tuy nhiên, khi tiếng nói được ẩn danh, liệu trò lố nào sẽ lên ngôi thay cho “lời thú tội” ngọt ngào?
Tại thời điểm ban đầu các trang X – Confessions thành lập, không bàn cãi gì nhiều, chính nó bỗng dưng trở thành bồ câu đưa thư của thời đại số khi giúp những tâm tư tình cảm được gửi đến đối tượng cần biết (và thậm chí không cần biết để gia tăng năng lượng ủng hộ). Quy luật tự nhiên, có cầu ắt có cung, mỗi tổ chức, vùng miền lại có một trang Confessions riêng để làm mảnh đất gửi gắm thông điệp. Có người nói, có người nghe; có người tâm sự, có người giải đáp; có người thắc mắc, có người tư vấn. Đỉnh điểm, khi mà trào lưu Confessions trở thành nơi chia sẻ thông tin đủ mọi mặt, thì bỗng nhiên nó cũng như một “influencer” có thể đại diện tiếng nói của bao người. Một ai đó ẩn danh sau tên gọi “admin” bỗng chốc thành… chuyên gia tâm lý?! Tệ hơn, những người muốn góp ý kiến hay gửi thư với mục đích “góp ý chân thành” liệu có phải trá danh kẻ tiểu nhân “ném đá giấu tay”? Ranh giới giữa những điều tinh sơ chưa dám ngỏ và chiêu trò hạ bệ chưa bao giờ gần nhau đến vậy. Làm sao để biết đâu là thật, đâu là giả, đâu là điều đáng tin, đâu là điều cần bỏ qua. Đoán xem?
Tôi vẫn tin, mọi thứ đều có sứ mệnh riêng, các trang Confessions cũng vậy. Tuy nhiên chỉ những người thông minh mới biết các sử dụng mọi thứ đúng giá trị của nó. Động lực nào khiến bạn gửi một đoạn thắc mắc hay giải đáp lên những trang tương tự: đặt câu hỏi (hợp lí đấy, vì đôi khi bạn không có ai để hỏi); tìm người tâm sự (cũng khá hay, vì đâu phải ai cũng có người để giải bày); thông báo những cơ hội cho một cộng đồng (cũng thích đáng, nhưng chắc các trang tuyển dụng sẽ làm tốt hơn); góp ý hay tố cáo (ôi, có gì sai ở đây không?).
Cùng tôi chơi một trò chơi nhé, trong 3s bạn hãy vẽ nên chân dung của một anh hùng theo suy nghĩ của riêng bạn nào. Liệu có phải bạn đang nghĩ đến những người đóng góp sức mình vào lợi ích chung? Hoặc đại loại là những người tốt. Thế bạn có biết chân dung của một anh hùng trên Confessions là gì không? Là…
“Thân gửi X,
Mình chỉ muốn góp ý cho X để tốt đẹp hơn.
Mình cảm ơn ạ”.
Nghe thì thật vô lý vì tại sao tất cả các kênh liên lạc với nhau lại bị đồng hoá thành một trang thông tin nhiễu nhương như thế? Hay vì đằng sau một nhân dạng anh hùng là NHỮNG TRÒ LỐ.
Nhiều người hiểu rằng, khi mạng xã hội phát triển, đôi khi người ta có thể xây dựng (hoặc lật đổ) hình ảnh của bản thân hoặc người khác chỉ bằng một lời nói hoặc một cú nhấp chuột. Confessions, trải qua 6 năm làm sứ mệnh của một chú bồ câu thời đại số thì bỗng được nhiều người ưa chuộng làm lửa gắp bỏ tay người. Nhắc lại, khi chúng ta ẩn danh – chúng ta không là ai cả, hoặc là bất kì ai. Thế nên đôi khi một người làm một trò lố cũng có thể giả danh một cô bé năm nhất khù khờ; một người đã thông tường mọi chuyện cũng có thể giả danh để hỏi – đáp – seeding lắm chuyện trên đời.
Người hiểu chuyện thì ít, kẻ hóng chuyện thì nhiều. Một thông tin được phát ra, những kẻ ngớ ngẩn không hiểu chuyện sẽ lập tức buông lời đàm tếu. Hay đôi khi đó chính là kế hoạch tiếp theo sau một dòng tin của kẻ ẩn danh kia? Đoán xem?
“Lúa càng nặng càng trĩu bông, giản dị cúi đầu” – người ngay không sợ những việc mình không làm, chỉ có những người “chủ biên” dàn dựng mới phải truyền thông thật nhiều cho sự vụ. Thế nên, ai làm họ tự khắc biết, những khán giả chúng ta có một nhiệm vụ là luyện một cái đầu lạnh để hiểu chuyện, tiếp nhận thông tin và đáp trả (hoặc bỏ lơ) đúng cách: Đừng để một con sâu xanh làm rầu quả chín. Với những gì mà người Ngoại thương đã và đang làm, tôi tin chắc những người hiểu chuyện sẽ có cái nhìn đúng đắn và phản biện với thông tin tiếp nhận được.
Trào lưu vốn chỉ những xu hướng ngắn, khi nó đã quá dài, sự biến chất và những chiêu trò xuất hiện ảnh hưởng đến người khác và chính mình là điều hiển nhiên. Chỉ cần mỗi người đều là một cá thể thông thái, tự khắc sẽ biết tiếp nhận thông tin như thế nào.
Nếu confessions là cuộc đời, những trò lố và người thực hiện là bác thợ mộc, còn chúng ta – những người bị hại và khán giả là chú chim sẻ tóc xù, tôi xin được mạn phép ghi lại câu thơ của Lưu Quang Vũ:
“Nếu cuộc đời này toàn những chuyện xấu xa
Tại sao cây táo lại nở hoa
Tại sao rãnh nước lại trong veo đến thế?
Con chim sẻ tóc xù ơi
Bác thợ mộc nói sai rồi”.
Quỳnh Hương