Đức Bà buổi chiều đổ bóng rất tình. Nhiều khi quên mất nhìn từ trên cao, nhà thờ là chữ thập giá đặt giữa lòng phố xá. Dưới đám bóng đổ, tôi ngồi trầm lắng giữa mơ hồ những câu chuyện kể. Anh họa sĩ nói về quãng thời gian anh còn trẻ như đời tôi bây giờ, những cơn bão suy tưởng đã diễn ra trong đầu ra sao, những giá trị và niềm tin đã vơi cạn và sụp đổ thế nào và đi tận cùng nỗi cô đơn riêng tư, anh bắt gặp sự cô độc của chung- chung mà không lẫn.
Nghệ sĩ có vô vàn điều trẻ con nhưng người gắng giấu kín bằng tất cả sự tự vệ bản năng: gào thét, nhiếc móc, trách giận… Như mèo của những ban mai, người chỉ thể hiện cho người đàn bà của mình. Và cả đời, từ giấc mộng này đến cuộc tình khác, người gắng gỏi đi kiếm tìm những nơi chốn để dành cho thông hiểu thiêng liêng ấy.
Có những người giận mình nhưng sẽ có những người thương mình. Có lúc mình đáng được giận nhưng sẽ có lúc mình đáng bị yêu. Mọi thứ thường không ổn định thế đó. Nhưng người thường vốn mê những gì ổn định, dễ đoán và sở hữu được. Người thường mong con cái người thân mình đừng vấp váp bằng cách hét ầm lên về những thất bại hay khó khăn.
Nhưng có con đường nào phẳng phiu hoàn toàn, có thời đại nào bình an hoàn toàn. Cái thanh thản có chăng chỉ thực sự tồn tại trong vài giờ ngắn ngủi- khi người thấy mình được thông hiểu chẳng hạn, nhưng tuổi trẻ thường vật vã, xông pha và chịu dấn thân vào những giông bão của suy nghĩ và đời sống. Tuổi trẻ như tôi thấy là công trường xây dựng những điều mới mẻ- vì mới mẻ nên ít chiều được lòng người hoặc giống được số đông.
Thế thôi, vài phút, vài giờ ngắn ngủi. Thế thôi, cũng đủ để người ta sống vì nó, cười vì nó và thấy mình vô cùng ngạo nghễ. Thế thôi.
Buổi tối ở lại bệnh viện với ba, tôi tự hỏi thời gian có màu trắng như trong thơ Xuân Quỳnh không? Lúc ngồi đọc báo ba nghe và bình luận chuyện Mĩ miếc và Ly-bi-a Ly- bi- iếc, lúc xay cháo cà rốt khoai tây cho ba và nấu buổi cơm chiều, tôi tự hỏi mình sẽ như thế nào trong vài năm nữa? Ờ, có những giá trị đôi khi bị thay đổi, những đích đến được dịch chuyển. Có những thời đại người sẽ khác mình đi rất nhiều. Nhưng câu nói “Tin vào con người” vẫn còn nguyên đấy. Trìu mến nói với tôi rằng:
Có tin tưởng mới có thông hiểu, phải không?
[*] Ảnh trong bài là của họa sĩ Beo – một câu chuyện sắp được kể, một ngày rất gần.
THÙY DUNG