Hơi ấm của chợ
0 0
Read Time:4 Minute, 3 Second

(FTUNEWS) – “ Hôm nay ăn gì?” có lẽ là câu hỏi quen thuộc luôn khiến chúng ta băn khoăn tìm câu trả lời mỗi ngày. Người tìm đến bữa ăn hàng quán, kẻ đi chợ mua thực phẩm để tự nấu nướng. Nhưng có bao giờ ta tự hỏi, “chợ” ngày nay có còn chăng là cái chợ nho nhỏ gần nhà, và “đi chợ” có chăng đã trở thành lối nói cho gọn cho việc “đi siêu thị, đi trung tâm thương mại, đi cửa hàng tiện ích…”?

Binh đoàn xâm lăng mang tên “chợ công nghiệp”

Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, tính đến năm 2016, thị trường bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh chỉ còn khoảng 235 ngôi chợ truyền thống (trước năm 2005 có trên 400 ngôi chợ), cùng với khoảng 85 siêu thị, 30 trung tâm thương mại và gần 800 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động. Với nhu cầu ngày càng gia tăng, siêu thị có quá nhiều lợi thế trong việc tạo dựng niềm tin nơi khách hàng. Đầu tiên phải kể đến sự hiện đại, sạch sẽ. Khác với chợ truyền thống bày bán hỗn loạn và không đảm bảo vệ sinh, ở siêu thị, hàng hóa luôn được sắp xếp ngay ngắn trên các kệ trưng bày trong không gian thoáng mát. Không những thế, giá cả sản phẩm luôn được niêm yết rõ ràng giúp người mua hàng không lo bị hớ, bị lừa. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ khiến những cái tên như Co.op Mart, BigC, SatraFood, VinMart,… dần thế chỗ những chợ Bến Thành, chợ Bình Điền, chợ Bà Chiểu, chợ Bà Hoa hay những ngôi chợ nội thành trong tâm trí của người tiêu dùng.

Chợ truyền thống không mất dấu trên bản đồ

Khi được hỏi về lựa chọn tiêu dùng, T.Thảo(K55E) chia sẻ: “ Mình thường xuyên đi chợ lắm, vì từ nhỏ đã hay cùng mẹ đi chợ nên điều đó khiến mình thấy thân thuộc như đang ở nhà vậy.“ Dù bị canh tranh khốc liệt, chợ truyền thống vẫn có một sức hút riêng biệt đối với người dân cả trong và ngoài nước. Người nước ngoài đến Việt Nam luôn thích thú giơ cao máy ảnh khi đi ngang khu chợ nhỏ bên đường, tò mò nhìn những con cá tươi vẫy vùng hay tiểu thương đang say mê xếp những bó bông đủ sắc hương. Nếu lựa chọn khung giờ hợp lý, ta có thể mua được những món “cây nhà lá vườn” như mẻ cá mới đánh buổi sớm mai, thúng rau xanh vừa chở từ nhà lên buổi chợ chiều, hay hàng bánh gói lá chuối, lá dong toả hương ngào ngạt bên chảo bánh rán mới ra lò.

Chợ Bà Hoa ở quận Tân Bình luôn ngập mùi thơm béo của những món bánh nướng, đồ ăn đặc sản làm nức lòng những người con xứ Quảng tha hương.   

Mặc dù đa số chợ truyền thống còn tồn tại nhiều hạn chế trong cách tổ chức cũng như không gian, song các địa phương vẫn đang không ngừng nâng cấp, phát triển các khu chợ để làm giảm các hình ảnh tiêu cực của chợ truyền thống.

Hồn Việt trong từng thước đất mảnh chợ

Siêu thị vẫn là lựa chọn hàng đầu cho những người bận rộn, ưa thích sự tiện lợi, nhưng sẽ không bao giờ có được cái hồn Việt mà những khu chợ sở hữu. Chợ đâu thuần túy chỉ là nơi thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng, mà còn là điểm tụ truyền thống, nơi đong đầy nét quyến rũ của phong tục tập quán mỗi vùng miền trong từng hơi thở con người.

Chợ Đông Xuân tọa lạc trong phố cổ Hà Nội là khu chợ bán buôn lớn nhất miền Bắc Việt Nam. Là ngôi chợ lâu đời bậc nhất được xây dựng từ thời nhà Nguyễn.

Phiên chợ vùng núi cao đặc trưng miền Tây Bắc rực rỡ trong váy áo thổ cẩm.

Làng cá Bến Đình ở Vũng Tàu tấp nập với những mẹt cá buổi sớm.

Chợ nổi Cái Răng đẹp chói lòa với những ghe thuyền đầy ấp hoa trái

Nhắc đến Sài Gòn là nhắc đến chợ Bến Thành- nhân chứng sống của lịch sử.

Mỗi ngôi chợ dường như đều chứa đựng sau nó một câu chuyện: câu chuyện của mỗi tiểu thương cả đời bám nghề bám chợ qua bao mùa kinh tế chênh vênh; câu chuyện của mỗi người dân bản địa hằng đời lưu giữ dòng chảy lịch sử và thời đại. Và câu chuyện của cái hồn mỗi vùng đất, cái linh khí người Việt, dẫu thời gian đổi thay từng ngày.

                                                                                                                Thảo Phương

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %