Thương hiệu Việt: Gia tài bị bỏ ngỏ
0 0
Read Time:4 Minute, 26 Second

(FTUNEWS) – Thương hiệu là tài sản vô hình nhưng mang giá trị. Giá trị đó không phải là thứ ngày một ngày hai có được, mà là cả một quá trình dài gây dựng. Thế nhưng, sau hàng chục năm phát triển và nhìn lại “gia tài” nhãn hiệu Việt, chính người Việt cũng đang băn khoăn mình hiện đang có gì.

 

Nhãn hiệu Việt: Nhạt nhòa hay đã đủ mặn mà?

Thương hiệu, vốn không đơn thuần là một cái tên, mà là một định nghĩa, một hình ảnh khắc sâu vào tâm trí người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực trạng ở nước ta, nhãn hiệu vẫn chưa thực sự được nhìn nhận một cách đúng đắn, thậm chí với nhiều người tiêu dùng Việt, đây đơn giản chỉ là một cái tên, không hơn không kém. Trong một cuộc khảo sát do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện, số liệu đưa ra chỉ có 4,2% doanh nghiệp cho rằng thương hiệu là “vũ khí” trong cạnh tranh, 5,4% cho đó là tài sản của doanh nghiệp và chỉ có 30% cho rằng thương hiệu sẽ giúp nâng giá hàng hóa cũng như đem lại niềm tự hào cho người tiêu dùng. Những con số không mong đợi trên đã báo động lên một thực tế đáng buồn: không chỉ người dùng mà cả doanh nghiệp Việt đều đang lãng phí giá trị của nhãn hiệu. Bởi vậy chăng, trong khi nhiều quốc gia lớn như Mỹ, Anh, Nhật,… đều có những kẻ khổng lồ mang niềm tự hào thương hiệu quốc gia, đóng góp không nhỏ làm tăng trưởng nền kinh tế nước nhà, thì ở Việt Nam vẫn đang kiếm tìm một nhãn hiệu quốc gia hùng mạnh trên trường quốc tế.

Tính chất của một thị trường “sính ngoại” đã làm cho các doanh nghiệp Việt dần tha hóa. Đi đâu người ta cũng gán cho sản phẩm cái tên “hàng cao cấp”, “hàng được sản xuất theo tiêu chuẩn châu Âu”, trong khi chất lượng ngày càng mai một, đó là chưa kể những thương vụ mua bán danh tiếng, uy tín cho các doanh nghiệp ngày càng nhan nhản. Chúng ta đang dần chạy theo những ưu tiên ngắn hạn, mà quên rằng chính chất lượng mới là thứ cốt lõi lâu dài. Các doanh nghiệp Việt không những không trân trọng giá trị thương hiệu mà còn đang tự “giảm giá” nó. Chẳng biết có bao nhiêu người ý thức được rằng, niềm tự hào về thương hiệu Quốc gia cũng đáng để coi trọng, đề cao như sự tự tôn, niềm kiêu hãnh dân tộc.

Danh Việt, thực ngoại?

Tận dụng tài nguyên, bài toán mà trong khi những doanh nghiệp nước ngoài đã làm được ngay trên chính quê hương họ, và lấn sang các thị trường ngoại bang, thì đối với doanh nghiệp Việt vẫn là một câu chuyện dài những khó khăn. Cà phê, chè, nước mắm, kẹo dừa,… những nhãn hiệu dân dã của người Việt, những món đặc sản được bạn bè quốc tế “nhớ nhung” sau mỗi chuyến du lịch Việt, cũng có lúc trở thành miếng mồi ngon cho các doanh nghiệp ngoại khai thác. Ẩu đoảng trong khâu đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đó chính là một trong những nhát dao chí mạng cho các nhãn hàng Việt.

Danh Việt, thực ngoại, đó không chỉ là câu chuyện về những cái tên làm mưa làm gió một thời như Kinh đô, Nguyễn Kim,… bị tập đoàn nước ngoài mua lại, mà còn là chuyện bị “hớt tay trên”, người ngoại lấy danh hàng Việt để tạo nên nhãn hiệu riêng xuất khẩu. Cà phê Buôn Ma Thuột, kẹo dừa Bến Tre là hai trong số các ví dụ điển hình cho câu chuyện doanh nghiệp Trung Quốc đăng kí một nhãn hiệu giống nhãn hiệu Việt. Tương tự, cà phê Trung Nguyên cũng từng có một khoảng thời gian dài phải chi rất nhiều tiền để thiết lập quyền sở hữu nhãn hiệu cho riêng mình trên nước Mỹ sau khi bị Rice Field – một công ty Mỹ đăng ký trước. Những trường hợp này là hồi chuông cảnh tỉnh nghiêm trọng cho doanh nghiệp Việt về vấn đề đăng kí nhãn hiệu ở nước ngoài khi muốn xuất khẩu hàng hóa.

Tỉnh táo để “giữ mình”

Đánh mất thương hiệu, câu chuyện mà nhắc đến ai cũng ngỡ là vấn đề công ty ngoại thâu tóm doanh nghiệp Việt, nhưng suy đi tính lại nếu “rào” nhà mình chắc, dễ gì người ngoài muốn vào là được. Đứng giữa ma trận hàng hóa, sản phẩm, sẽ ít những người chọn lựa “tắm ao ta” để từ chối những món hàng chất lượng từ các nhãn hàng ngoại. Đã đến lúc doanh nghiệp Việt nhìn nhận lại vị thế của mình trong và ngoài nước, đã đến lúc các nhãn hiệu thôi chạy theo những món lợi nhuận tức thời mà phải tạo sự “tự tôn” cho chính sản phẩm mình làm ra.

Hải Châu

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Categories: Vitamin Biz