(FTUNEWS) – 18 tuổi, Sài Gòn không phải là nhà. 18 tuổi, Sài Gòn mở ra cánh cửa cho những khát vọng của tuổi trẻ, đồng thời để lại sau lưng con đường dài nặng hai chữ “về quê”. Rồi để quen hay phải quen Sài Gòn, số lần về thăm nhà thưa dần. Nhiều lúc tôi chợt nghĩ, chuyện-về-nhà lại bất đắc dĩ trở thành một cuộc giằng co vô hình, giữa mẹ và tôi.
- Đổi mới công nghệ: Chuyện không của riêng ai!
- Suy nghĩ tích cực – Đèn đường hay chỉ là ảo ảnh?
- Cuộc đời là trò chơi trốn tìm
Có về quê không?
Năm nhất Đại học không nhàn như tôi nghĩ, hoặc do tôi không giỏi sắp xếp thời gian nhưng đúng là nó khiến tôi cảm thấy bận rộn. Đến những việc tưởng như đơn giản như hôm nay ăn gì, đi đâu cũng choáng lấy hàng tá thời gian của tôi. Về thăm nhà ư? Tôi có nghĩ đến, nhưng chỉ là nghĩ thôi. Nếu xem “Tôi về thăm nhà” là một chương trình máy tính, thì tôi cá là nó sẽ không bao giờ tải quá 30%. Này nhé, 10% đầu tiên được tải do lịch học rảnh, 10% tiếp theo được lịch làm thêm ủng hộ, và tất nhiên, cái cảm giác sung sướng khi nghĩ đến việc được nằm vùi trong tổ ấm quen thuộc hoàn thiện 30% chương trình vốn sẽ bị trì hoãn vô hạn vì lí do công việc nào đó. Hụt hẫng và cam chịu chứa đầy trong tiếng thở dài sau đó. Tôi dần dần đã không còn hứng thú với một thứ trở nên không thực tế – về thăm nhà.
Không về, mẹ vẫn thường xuyên gọi. Những cuộc gọi của mẹ xoay quanh những chủ đề tương tự cứ lặp đi lặp lại, và tôi chỉ đáp lại như một cái máy, và đôi lúc, là trả lời những câu-trả-lời-mà-mẹ-muốn-nghe. Mẹ mà, ngày nào cũng hỏi: “Mày ăn uống có đầy đủ không đó?”. Mẹ mà, ngày nào cũng dặn: “Mày ở trên có cực quá thì về mẹ nuôi”. Còn tôi, viện cớ uể oải sau một ngày dài, luôn kết thúc cuộc gọi một cách chán nản, rằng “Con biết rồi mẹ”. Mà mẹ cứ vậy, mỗi ngày vẫn đều đặn thực hiện những cuộc gọi năm mươi mấy giây chỉ đủ để biết thằng con mình vẫn khỏe, dù nhiều lúc chạnh lòng khi đứa con bảo tháng này không về.
Hay mẹ lên thăm…
Đó lại là một ngày mưa tầm tã đầu tháng 11 của Sài Gòn. Nhưng ngày mưa hôm nay có mẹ. Bắt xe buýt số 14 từ bến xe miền Tây, mẹ nói đi cái này cho tiết kiệm, lúc đến nhà trọ cũng tầm trưa. Mẹ vẫn vậy, vừa bước vào cửa đã cằn nhằn phòng bề bộn, rồi nhanh nhẹn xắn tay vào dọn dẹp. Tôi ngồi thẩn trên giường chăm chú nhìn dáng người phụ nữ trung niên mặc bộ đồ thun, tóc xoăn vài điểm bạc, tay thoăn thoắt nhưng miệng vẫn không ngừng dặn dò. Tôi chẳng biết mẹ đang nói gì, chỉ thấy một cảm giác dễ chịu rồi dần thân thuộc đến ấm áp lan trong lồng ngực. Tôi mỉm cười nhẹ trong vô thức nhớ lại những lúc ở nhà, mẹ cũng hay dọn phòng cho mình. Mọi thứ xung quanh bỗng chốc thu lại chỉ vừa bằng mẹ. Lần nào lên, mẹ cũng đem gần hết cả cái xóm nhỏ ở dưới, đựng trong cái giỏ đã ướt nhem vì mưa.“Mẹ đem vú sữa cho mày, mẹ biết mày thích ăn, cây mận ở nhà mới ra mấy trái mẹ để dành cắt lên cho mày nè. Còn này là thịt kho, bỏ vào tủ lạnh đi, ăn đồ ăn ở ngoài không tốt đâu. Mẹ có mua mấy chai dầu gội với xà bông, trong nhà vệ sinh hết rồi đó…” Mẹ vẫn nói, tôi thì im lặng. Từng lời đi vào ép nước mắt chảy ra. Tôi biết mẹ giận lắm, mẹ giận tôi không về, nhưng không bao giờ nói. Tôi thương mẹ giả vờ như chưa có chuyện gì, không dám than vãn nửa câu vì sợ đứa con lo lắng. Cả thân thể muốn chạy lại ôm chầm mẹ nói lời xin lỗi, nhưng tâm trí lại không đủ dũng cảm.
Tối đó, tôi ôm mẹ ngủ, cũng đã hơn 2 tháng rồi. Mẹ gãi gãi lưng tôi, rồi vẫn cái câu dụ ngọt lịm, rằng là nếu cực quá thì về nhà dưới, ba mẹ lo cho mày rồi theo ba mày quản cái nhà máy. Tôi giả vờ lờ đi, dụi dụi đầu vào tay mẹ rồi thiếp đi lúc nào không hay. Tôi biết mẹ xót con nên nói vậy thôi, chứ vẫn luôn ủng hộ con đường tôi chọn, vẫn luôn là chỗ dựa vững chắc cho một thằng nhóc đang tập lớn. Và tôi, vẫn luôn muốn lớn trong vòng tay của mẹ.
Ông Đức Nha