(FTUNEWS) – Có nên giữ lấy lòng tốt “thuần túy” hay chọn trí óc làm người bạn đồng hành khi giúp đỡ người khác?
Lục Vân Tiên bị hại!
Vấn đề lòng tốt bị lợi dụng hay lòng tốt đặt nhầm chỗ chưa bao giờ cũ trong mối quan tâm của nhiều người. Cũng vì vậy, sự việc anh Nguyễn Hải Sơn bị đâm đến thấu phổi khi cứu cô gái trẻ bị nạn dậy lên những luồng kiến trái chiều về hai chữ “lòng tốt”. “Lòng tốt” giờ đây không đơn thuần như bề mặt ngôn từ của nó, vì khi đặt trong cuộc sống đầy rẫy những điều “lạ lùng” này, một lần nữa trở thành mối lo khiến con người ta phải đắn đo suy nghĩ! Có người chua xót chia sẻ rằng: “Nếu ai cũng gặp họa như anh Sơn thì chúng tôi làm sao còn can đảm giúp người khác nữa?”. Nhưng cũng có người vẫn tin tưởng một mực: “Bị đâm thì chịu nhưng vẫn cứu!”. Nếu nhìn nhận một cách kĩ lưỡng bản chất của vấn đề, rõ ràng lòng tốt vẫn đẹp và vẹn nguyên giá trị vốn có. Họa chăng điều chúng ta cần quan tâm ngay lúc này là liệu có nên giữ cái lòng tốt “thuần túy” đó hay lấy trí óc làm người bạn đồng hành?
“Bị đâm thì chịu nhưng phải cứu!”
Tôi tạm cho những người giữ câu trả lời này là vững tin về lòng tốt “thuần túy”. Họ có những quan niệm giản đơn và trong sáng nhất về bài học “lòng tốt”. Với họ, lòng tốt là khi ta không còn nghĩ cho bản thân mình nữa, lòng tốt là đâu cần phải toan tính và hoài nghi, đã là lòng tốt thì chỉ cần đưa tay giúp đỡ người khác qua cơn hoạn nạn, thế thôi! Vì vậy người ta vẫn không khỏi tự hào một lòng tốt vượt trên cả tử thần như vụ việc tài xế Bắc cứu xe khách khỏi lao xuống vực đèo Bảo Lộc hồi tháng 9 năm 2016. Tôi tin rằng trong những giờ phút sinh tử như thế, nếu anh Bắc còn bận tâm lo lắng cho tính mạng của mình thì đã không thể cứu sống nổi hơn 30 mạng người. Ngay cả anh cũng không dám tin, thậm chí cũng không dám nhớ lại cái giờ phút “thập tử nhất sinh” đó. Tôi gọi lòng tốt khi đó chính là căn nguyên sâu xa tạo nên một con người. Chính lòng tốt “thuần túy” đã tiếp cho anh sức mạnh và bản lĩnh vững vàng để làm nên những điều phi thường.
Thế nhưng, lòng tốt phải chăng đơn giản chỉ dừng lại ở những nghĩa cử cao đẹp như vậy? Từ vụ việc của anh Nguyễn Văn Sơn, thiết nghĩ lòng tốt không còn dừng lại ở suy nghĩ “Tôi sợ làm người tốt” mà còn rất nhiều những khía cạnh khác cần được phơi bày và nhìn nhận một cách đúng đắn. Không phải ngẫu nhiên ngày càng có nhiều “bệnh nhân” mắc căn bệnh sống dựa vào người khác. Đó là khi lòng tốt không được đặt đúng chỗ và gây ra sự ỷ lại. Tôi chưa bao giờ coi tình nguyện là một việc không nên làm, thế những đã có lúc nào bạn cảm thấy như tôi, khi lòng tốt của chúng ta đang bị lợi dụng, khi ý nghĩa của hành động tình nguyện đem lại không còn đẹp đẽ như bản chất vốn có? Dẫu cái nghèo đói khiến xã hội thương tâm, nhưng nhiều người trong số họ lại cho đó là một “miếng ăn béo bở”, một “sự hạnh phúc” mang tên bất hạnh. “Như một thói quen”, ngày ngày họ vẫn “hiên ngang” nhận lấy sự giúp đỡ của người khác mà không hề nỗ lực khắc phục khó khăn của mình. Và chính lúc này, lòng tốt đã vô tình trở thành “con sâu” ăn mòn ý chí vươn lên, nghị lực khắc phục nghịch cảnh nơi mỗi người.
Người bạn đồng hành mang tên “Lí trí”
Tôi chưa từng và cũng sẽ không bao giờ nghĩ rằng lòng tốt “thuần túy” là xấu. Bởi lẽ, nếu ai trong chúng ta cũng ấp ủ những điều trong sáng về hai chữ lòng tốt thì cuộc sống này sẽ đơn giản và hạnh phúc gấp nhiều lần. Thế nhưng, mối nguy đáng sợ lại ẩn mình nơi những người nhận lấy sự trợ giúp. Bởi, không phải ai cũng tiếp nhận sự giúp đỡ của người khác với một thái độ tích cực. Có người sẽ nương theo đó mà không tự ý thức giải quyết khó khăn của chính mình. Có người thì lại xem việc giúp đỡ của chúng ta là sự khinh khi, xúc phạm đối với họ.
Vì vậy, lấy lí trí làm người bạn đồng hành ở đây, tôi không nhằm cổ vũ mọi người đem lòng tốt lên bàn cân so đo, tính toán thiệt hơn mà chúng ta cần cẩn thận và trách nhiệm với lòng tốt của chính mình. Ai là người thật sự cần giúp đỡ? Sự tiếp viện của chúng ta có đang vô tình gây ra thói ỷ lại? Làm thế nào để sử dụng lòng tốt một cách khéo léo? Đi tìm câu trả lời cho những khúc mắc đó không chỉ giúp cho bản thân chúng ta mà còn tốt cho những người được ta giúp.
Lòng tốt vốn không phải là món hàng hóa mà chúng ta chỉ nên đầu tư khi lợi ích cận biên lớn hơn giá trị cận biên như bọn sinh viên kinh tế chúng tôi thường được dạy. Thế nhưng, lòng tốt chỉ tối ưu khi được trân trọng và gửi gắm đến những người thật sự xứng đáng. Ai cũng muốn và khao khát được làm việc tốt bởi đó chính là bản tính lương thiện và lòng trắc ẩn sẵn có nơi mỗi con người. Và bạn vẫn có thể nuôi trong mình một lòng tốt “thuần túy” nhưng với một lí trí sáng suốt, phải không?
Huy Thái