(FTUNEWS) – “Trưa nắng thế này mày chạy đi đâu vậy hả?” Chuyến xe bus về phòng trọ tuyệt nhiên không có mẹ, thế mà bất chợt trong phút giây tiếng mẹ mắng thuở lên mười vẫn thật gần bên tôi. 18 tuổi, Sài Gòn với tôi chưa bao giờ đô hội phồn hoa đến thế, nhưng chừng ấy chỉ làm tôi nhớ về năm tháng niên thiếu bên “nhà”.
- Tình đầu – Yêu, tiếc và nhớ
- 18 tuổi, bạn đang làm gì?
- Phương Vy Idol: “Chỉ mong mang hạnh phúc đến những người cạnh bên mình”
“Trở lại nơi ấy luyến tiếc…
Trở lại nơi bao giấc mơ tan vào nhau”
Tuổi của những ham chơi
“Tôi không nói quá lên đâu, vì ngày nào chào đón tôi ở đầu ngõ cũng là khuôn mặt lo lắng của mẹ tôi và khuôn mặt hầm hầm của ba: – Trời ơi, sao ngày nào cũng ra nông nỗi này thế hả con?” (Nguyễn Nhật Ánh). Niên thiếu của tôi hay của bao người khác là những cuộc rong ruổi giữa ngày hè nóng bức đầy ngốc xít, trẻ con mà chẳng biết chán. Thuở ấy, cứ hễ nhìn thấy vài nhánh lau, bọn tôi cũng sẽ nghĩ ra vài trò chơi mới, mấy cục đá bỗng chốc trở thành thứ hữu dụng. Nhiều thoảng, chỉ cần một cánh diều, chút tiếng sáo xa vẳng cũng đủ để những đứa trẻ tuổi 13, 14 thích thú mãi không thôi.
Dễ giận vặt, ham chơi nhưng tâm hồn không còn quá ngây ngô, tập cách lắng lo và suy nghĩ về cuộc đời là những điều làm tôi nhớ đến tuổi thiếu niên. Ở cái tuổi không quá bé mà vẫn chưa đủ lớn ấy, nhà là nơi để trở về, để vui buồn, yêu thương hay giận dỗi. Không biết bao nhiêu lần ta cho phép bản thân chán ghét gia đình, cũng không ít lần cho đó là “nhà giam”, coi những lời mắng của mẹ cha là phiền phức… Thế rồi, ta lại chỉ muốn rong chơi cùng bè bạn, muốn lớn thật nhanh để tự do làm điều mình thích, thoát mình ra khỏi “chiếc lồng” mang tên gia đình.
Nhìn thế giới từ cửa nhà
Nhà vẫn che chở, bảo bọc lũ trẻ ngốc xít, mặc cho cái tư tưởng buồn chán, sống trong gia đình nhưng tâm hồn luôn khát khao rời xa chốn ấy. Cuộc sống an yên ở “nhà” khiến chúng ta càng tin tưởng hơn về sự giản đơn của xã hội. Chuyến dã ngoại cùng lớp học, đôi ngày đi học xa hay vài chuyến đi ngắn ngủi bỗng trở thành chất xúc tác cho ước mong rời “nhà” chật hẹp, gò bó tới một thế giới mới mẻ, xinh đẹp và tự do.
Rồi kỳ thi dồn dập, những áp lực nặng dần trên đôi vai theo năm tháng trưởng thành, lũ trẻ ngày nào dần phôi phai ước mong về cuộc “vượt ngục” tìm kiếm cuộc sống mới. Một ngày, chợt thấy niềm ước ao tuổi niên thiếu ngây ngô năm nào đã thành hiện thực, từng hành lý gói ghém cẩn thận, đứa trẻ nhỏ ngày nào vui sướng mơ về chặng đường phía trước. Nhưng nào ngờ…
Đi thật xa để trở về
Những đứa trẻ như tôi, khoảnh khắc xa nhà mới thấy khuôn mặt của ba, giọng nói của mẹ thật hiền dịu. Ngay cả khi quát mắng qua màn hình máy tính, mẹ vẫn trông rất hiền, khác xa với khuôn mặt của những con người ngoài kia. Tôi lại tự hỏi mình: “Có phải cái gì gần gũi, thân thuộc quá thì càng dễ bị lãng quên?”, thế nên đến ngày đi xa mới nhận ra nét mặt dịu hiền của cha mẹ. Mãi đến lúc đi xa, tôi mới biết nhà là chốn yên bình và ấm áp đến nhường nào.
Thế giới bên ngoài dạy tôi biết cách đứng dậy sau vấp ngã, nói cho tôi biết cuộc đời vốn lắm chông gai, cho tôi hiểu “nhà” đã nuôi dưỡng tôi bằng chất ngọt của sự chở che. Xa “nhà” để nhận ra thế giới bên ngoài không giản đơn, để nhận ra nỗi buồn chán tuổi 15 chẳng là gì so với năm lên 18. Ước mong xa “nhà” để rồi giờ chỉ biết nhung nhớ, để rồi giữa đất khách quê người lòng khôn nguôi ao ước được trở về bến cũ.
Ai cũng từng trải qua lứa tuổi niên thiếu, trải qua những ước mong ngốc nghếch chẳng thể hiểu nổi. Ai cũng từng trải qua những khoảnh khắc chỉ muốn lớn thật nhanh, và rồi tuổi trưởng thành lắm đắng đót khiến ta trộm ước được bé lại. Niên thiếu là nhà, là những dại khờ, ngây ngô trong từng suy nghĩ, là chán chường của tuổi mới lớn… nhưng chẳng phải ai cũng cần “học làm trẻ con trước khi làm người lớn” hay sao?
Hải Châu