(FTUNEWS) – “Công nghệ đang giúp tôi bắt kịp với vòng xoáy cuộc sống, chỉ cần rời khỏi chiếc điện thoại, tôi cảm thấy như bị cả thế giới bỏ rơi.” Nỗi sợ trật nhịp với xã hội thôi thúc ta “cúi đầu” để kết nối với cộng đồng “ảo”, nhưng có chăng ta đã quên việc kết nối với chính mình?
“Cúi đầu” và những con số “ảo”
2 tiếng 20 phút là thời gian trung bình một người trưởng thành truy cập vào các trang mạng xã hội hằng ngày.Chúng ta mở điện thoại kiểm tra thông báo 13 lần mỗi giờ, dù không hề có thông báo nào gửi đến. Con số này còn tăng đột biến ở lứa tuổi thanh thiếu niên từ 16 đến 25 tuổi. Một mặt, những phát hiện trên đã cho thấy vai trò thiết yếu của công nghệ trong đời sống, với những Facebook, Instagram, Skype, Twitter, Youtube… thế giới đang dần trở nên gắn kết hơn bao giờ hết. Mặt khác, chính chúng lại đang tước đi sợi dây vốn mong manh giữa ta và mọi người xung quanh.
Bạn đã bao giờ đi café cùng hội bạn ngồi cạnh nhau nhưng lại cúi đầu chăm chú vào chiếc điện thoại trên tay? Bạn có bao giờ ghé thăm những cảnh thiên nhiên tươi đẹp, nhưng lại cúi xuống ngắm nhìn chúng qua màn hình nhiều hơn thuởng thức tận mắt? Phải chăng trước mỗi cuộc vui hay tiệc tùng, bạn đều không quên cúi chụp để chia sẻ lên trang cá nhân? Và, việc đầu tiên bạn làm khi thức giấc hay đi ngủ chính là cúi xuống kiểm tra điện thoại, xem mọi người đang làm gì và tương tác với mình ra sao? Có thể bạn đã và đang trải nghiệm vòng lặp trên, cũng có thể là từ một người bạn nào đó xung quanh mình. Nhưng, cơn nghiện mang tên “Mạng xã hội” là có thật, và nó đang xâm chiếm cuộc sống của 61% người dùng Internet trên toàn thế giới!
Cho đến hội chứng “Sợ bị bỏ lỡ”!
Từ điển Oxford đã ghi nhận hội chứng FOMO – “Fear of missing out” nhằm chỉ cảm giác bất an thậm chí ám ảnh rằng bạn đang bỏ lỡ điều gì đó khi bạn không tiếp xúc với công nghệ. Bạn lo sợ phải chăng bạn bè đang làm, đang biết, hay đang có thứ gì đó nhiều hơn hoặc tốt hơn ta? Hội chứng này thường có những biểu hiện nổi bật như: ảo giác điện thoại đang rung dù không tồn tại; kiểm tra điện thoại, email, tin nhắn liên tục; chụp hình tất cả mọi thứ, kể cả sinh hoạt; lướt newsfeed vài phút một lần hay không cam kết vào một mối quan hệ tình cảm nhất định. Thử tưởng tượng cuộc sống sẽ ra sao khi ta luôn phải thấp thỏm lo âu, không thể nhập tâm vào không gian mình đang ở, nơm nớp lo sợ rồi dần dà tự xây nên một bức tường vô hình. Bản chất của FOMO chính ở cách sống hướng ra bên ngoài quá nhiều thay vì hướng vào bên trong, vì chưa hài lòng với hiện tại nên chúng ta đi tìm sự vui vẻ, hạnh phúc ở mạng xã hội nhưng lại vô tình tự cô lập chính mình. Theo báo cáo từ MyLife, 56% người sử dụng mạng xã hội mắc phải hội chứng FOMO, như một “cái tát” mạnh mẽ vào vòng xoáy công nghệ đang cập nhật từng giây.
Đã đến lúc “ngắt kết nối” để “tái kết nối”!
“Chúng ta đang sống trong một thế giới với quá nhiều những kết nối. Nhưng chúng ta thậm chí không dành thời gian để kết nối với chính mình”. Đó chính là lời nhắc nhở của cô nàng blogger làm đẹp nổi tiếng Michelle Phan – người đã vực dậy thành công sau cuộc khủng hoảng tâm lý nhờ một cuộc “thanh lọc công nghệ” mang tính cách mạng của bản thân. Là ngôi sao của kênh Youtube với hơn 9 triệu người theo dõi, chuỗi video tỷ lượt xem, sở hữu công ty của riêng mình và là người mẫu cho các tạp chí làm đẹp danh giá, Michelle Phan, giữa những đỉnh cao danh vọng đã bị quật ngã bởi ánh hào quang của chính mình. Cuộc sống cô lập 10 năm chỉ quay, sản xuất video và trả lời cộng đồng mạng đã làm cô bị suy nhược tâm lý và có ý định tự tử. Chính khi đó cô đã quyết định “tắt nguồn” mọi thiết bị công nghệ, xếp hành lý và rời đi một nơi thật xa nhằm hồi phục tâm hồn mình. Suốt một năm ròng, cô chu du đến nhiều nơi ở Châu Âu, Châu Phi, Trung Quốc, Ai Cập,… tách biệt hoàn toàn với mạng xã hội. Quá trình “thanh lọc” đã thành công khi Michelle Phan tái xuất với dòng sản phâm làm đẹp mới, dù không còn sản xuất những clip triệu lượt xem Youtube, Michelle Phan nay luôn trầm tĩnh và điềm nhiên khi hướng về cuộc sống.
Đã đến lúc để chính chúng ta “thanh lọc công nghệ” và làm chủ cuộc sống của riêng mình. Hãy bắt đầu với việc tạo tính kỷ luật cho bản thân bằng cách giới hạn thời gian lướt mạng xã hội, ví dụ như chỉ kiểm tra điện thoại 2 lần một ngày. Tắt các chế độ thông báo đến từ các ứng dụng để không bị mất tập trung, tham gia các hoạt động ngoại khóa, liệu pháp thư giãn; ngắt kết nối Internet khi đi chơi cùng bạn bè;… Hành động từng ngày cùng với ý chí bản thân sẽ hình thành thói quen độc lập khỏi công nghệ. Không cần phải cách ly hoàn toàn với mạng xã hội, hãy cân bằng chúng với cuộc sống thực và dành thời gian nhiều hơn để lắng nghe chính bản thân mình, bạn nhé!
Thảo Phương