Tôi vẫn ngồi đọc thơ tình của dạo trước và say sưa với những mộng tưởng của kiếp người đã đi qua, của những mùa chẳng bao giờ trở lại. Khi Lưu Trọng Lư bảo “tình yêu của các cụ ngày xưa thì dẫn đến hôn nhân. Còn tình yêu của ta thì muôn hình vạn trạng, có tình gần gụi, có tình xa xôi, có tình thoáng qua trong giây lát, có tình thiên thu…” thì hôm nay “ta” ấy cũng đã đi vào quá khứ.
Thuở ấy, có những chàng trai say sưa nhìn ngắm bóng hình người yêu tan trường trong chiếc áo dài trắng mướt, có Diễm của ngày xưa mong manh đi qua những hàng cây Long não để đến trường, nhiều mùa mưa nắng cũng qua theo. Huế nhỏ nhắn với lăng tẩm và đền đài tự sản sinh trong lòng nó những ao ước dệt gấm thêu hoa và những cõi trời gần như không có thực. Diễm ở đó đi về giữa một miền nhớ hư hư thực thực như một ảo ảnh mà chẳng hề hoang đường. Cuộc đời Trịnh có lẽ là một cơn mê dài nối tiếp những giấc mơ, lưu lạc lien hồi giữa bến và bờ:
“Bờ mở ra những bến. Có dâu bể cho bờ. Nên định mệnh bờ thường trói buộc thân phận bến.
Tôi là bờ em ra đi. Em là bến tôi ghé lại
Con đò ghé qua bờ này bờ nọ, nhưng sẽ đậu lại ở một bến kia.”
(Trịnh Công Sơn)
Thuở ấy có cô Duyên bắc kì đỏng đảnh trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Tôi thấy người yêu khắc khoải nhiều vô kể, nhưng yêu ngờ nghệch mỗi một người như Nhiên thì hiếm hoi lắm thay. Nhạc sĩ Thanh Tùng thương hình dáng người vợ “mòn cả hai vai” cũng vẫn còn say mình với những mảnh tình không danh phận, Hoàng Cầm đi tìm lá diêu bông cho người con gái “váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” cả đời chếch choáng với những mối tình, Phạm Duy cũng chưa bao giờ ngừng yêu.
Tôi thấy bóng dáng thẩn thờ của những chiều quận cam nghe tiếng chuông nhà thờ đánh vào hư không, có kẻ nhớ khắc khoải đã đèo nhau đi qua một quãng đời mơ mộng, chỉ biết yêu, giận hờn oán trách qua những vần thơ, có kẻ ngoại đạo ấy tập tành làm con chiên chuộc tội mơ tới thiên đàng.
“Đời anh quên, nhớ, quên… nhiều lắm!
Chiều chiều xứ Mỹ cũng chuông mơ …”
Tôi mường tượng được hắn đứng giữa đường Biên Hòa, đút hai tay vào túi quần và ngửa mặt nhìn trời, hắn nghĩ cái gì ngoài cái tình yêu day dứt ảo tưởng kia. Năm tôi ra đời, hắn nằm chết trong một chiếc xe hơi cũ trên vùng đất tự do “Cuộc sống đối với anh là một chiếc áo mặc không vừa” [Đỗ Kh.]. Cái chết đó khiến tôi nhớ đến cái chết của Kizuki trong Rừng Nauy, không khác nhau bao nhiêu. Khi đời khoác cho ta những thực thể không vừa vặn thì chỉ có cách là tự giải thoát khỏi nó.
Có lẽ, ai trong đời cũng có một hay nhiều Diễm, Duyên đi qua như thế. Nhưng liệu hôm nay, có chàng khờ nào còn nhẫn nại ngồi viết thơ tình và tôn thờ hình bóng thanh khiết của người thương như thế. Liệu có dám viết tên riêng của một cô nào đó mà không ngại ngần vì sợ “lỡ tình không thành” sẽ ảnh hưởng… tình sau.
Tôi tự hỏi ai sẽ viết thơ tình cho mình, hay chỉ để đi qua nhạt nhòa mông lung như ảo ảnh…
THANH TÂM