(FTUNEWS) – Nếu một ngày, đứa sinh viên 19 tuổi là con đây, không ngồi chống cằm mơ màng trong tiết Vi mô, mà phải đứng trên bục giảng truyền đạt mớ công thức lằng nhằng kia. Nếu một ngày, con thôi rong chơi và vô tư vô lo nữa, thay vào đó là hằng đêm thức trắng soạn giáo án, là trăn trở sớm hôm cho lũ học trò ngót nghét vài trăm đứa. Nếu một ngày, khi con là thầy…
Mẫu số chung của hàng ngàn tử số
Con chẳng biết cắt nghĩa như thế nào, nhưng có lẽ khi mình đứng thay vị trí của một người nào đó khác, cuộc sống hẳn sẽ khác lạ lắm. Thế mà chẳng hiểu sao khi nghĩ đến việc mình trở thành một nhà giáo, con chỉ nghĩ đến bốn chữ “hy sinh thầm lặng” vốn đã thân quen. Nghe thì có chút vĩ mô, hoa mỹ, nhưng thực ra sâu thẳm điều đó lại giản dị biết chừng nào.
Con lên đường đi tìm vế sau cho giả định của mình, rồi cuối cùng chỉ biết tóm gọn lại trong câu hỏi: Không hiểu tại sao? Không hiểu tại sao thầy có đủ tận tâm theo đuổi nghề giáo suốt mấy chục năm với những bài giảng đã thân quen như hơi thở, những công thức vốn đã thuộc nằm lòng? Không hiểu tại sao thầy đứng suốt từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều để giảng giải liên tục và cặn kẽ cho chúng con? Không hiểu tại sao có những ngày chúng con chán nản, lơ là, biếng lười, thầy vẫn kiên nhẫn, từ tốn giảng giải đến trọn bài, đến khi chắc lòng rằng lũ học trò đã tiếp thu được hết, mới thôi.
Một đứa sinh viên hằng ngày đến lớp, hầu như đơn thuần chỉ vài ba suy nghĩ: hôm nay học môn gì, có kiểm tra không, thầy cô điểm danh thế nào, bài tập môn này có khó không… Còn thầy dù bộn bề cuộc sống, mỗi lần lên lớp lại có hàng nghìn nỗi lo: giáo án soạn như vậy đã rõ ràng chưa, thầy giảng như vậy học trò có tiếp cận được không, hàng trăm sinh viên ấy có bạn nào còn chưa hiểu bài không… Thầy nghĩ về chúng con, như một niềm đau đáu khôn nguôi không bao giờ cạn.
Nghĩ về thầy, con bỗng liên tưởng tới bài học môn Toán sơ khai nhất là về tử số và mẫu số. Tử ở trên, mẫu ở dưới, tử số càng cao, kết quả chia ra càng lớn, còn nếu là mẫu số chung, cứ đứng yên như một bệ đỡ vững chãi, để hàng nghìn hàng triệu tử số thoả sức cộng trừ, nhân chia. Cũng như thầy và chúng con, một người là trụ, là tấm gương chung cho hàng triệu con người khác. Chúng con từ mẫu số chung đó mà bước ra va vấp với đời, mà tung cánh bay.
Một ngày cho thầy và nghìn ngày cho con
Người ta thường tưởng tượng ra những phép màu với một ngày được hoán đổi thân xác để sống cuộc đời của người kia. Chuyện đó hẳn nhiên không thể. Nhưng có một ngày tháng Mười một thật tròn trĩnh để chúng con nhớ đến những góc khuất phía sau thầy, những điều mà chỉ hiếm hoi những đứa học trò theo nghiệp sư phạm mới hiểu được.
Những năm học phổ thông, ngày Nhà giáo Việt Nam đối với chúng con như một ngày hội lớn. Đạp xe chục cây số để mua một bông hồng, thức suốt đêm tô vẽ tỉ mẩn một tấm thiệp nhỏ. Vậy mà chẳng hiểu sao càng lớn, sự hiện diện của 20-11 bỗng mờ nhạt hơn. Đại học, gom nghĩa lại chính là cú đệm trưởng thành, khi con người đi xa hơn và hiểu nhiều hơn. Như vậy có trái ngược không, khi trưởng thành càng nhiều, con lại càng quên đi những điều lý ra con nên trân quý.
Nghìn ngày thầy lo lắng cho chúng con, để rồi chỉ có riêng một ngày cho riêng mình. Sự so sánh nghe sao chênh chao quá đỗi, nhưng thầy vẫn tin yêu chúng con và chưa lần nào đòi hỏi sự đáp đền. Cũng chẳng rõ vì sao, nhưng với thầy, chỉ đơn giản là một câu chào của chúng con cũng là niềm an ủi lớn lao cho nghìn ngày như thế.
Nếu cuộc đời có hoán đổi này nọ, đôi khi, đã không ai phải buồn khổ. Nhưng giả như phép màu ấy có thật trên đời, để đôi ba ngày nào đó những hy sinh thầm lặng của thầy có cơ hội cất lên tiếng nói, thì thầy có chọn lựa không? Con không rõ, nhưng vẫn mãi một niềm đinh ninh rằng, thầy và bất cứ mọi thầy cô nào con đã gặp trong đời, đều chưa bao giờ hối hận về nghề giáo mình chọn lựa. Biết là nhiều trăn trở, là những buồn lo, nhưng chẳng hiểu sao không dứt được con đường gieo chữ này, thầy nhỉ?
Thảo Linh