(FTUNEWS) – Câu chuyện về tự lập và những ngã rẽ…
Một ngày, lướt newsfeed, tôi chợt bắt gặp những dòng chia sẻ của một người chị sau khi xem xong bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Chị nhớ về những kí ức của một vùng quê thanh bình và niềm vui nhỏ bé của thời ấu thơ. Rồi, chị nghĩ về những yêu thương, bao bọc của gia đình lúc vẫn còn sống ở quê và cảm thấy tiếc nuối vì bản tính tự lập khiến chị dần dà từ chối những chở che ấm áp của gia đình. Ngày đó, chị chỉ muốn được tự do vung vẫy, được thoát khỏi cái khoảng bình yên mà mình cho là nhàm chán. Thế là, chị xin gia đình được lên thành phố, để có thể sống độc lập, để đương đầu với những gian nan và tự đưa ra lựa chọn cho cuộc đời mình. Chị hối hận không phải vì những gì chị làm là sai, mà tiếc vì ngày đó đã quá đỗi xem thường những quan tâm, ân cần của bố mẹ – những điều chị cho là quá quen thuộc. Vậy mà, những thứ giản dị và cảm giác trọn vẹn ấy giờ này chưa chắc đã có lại được.
Tôi thấy tiếc cho chị, và cũng xót xa cho nhiều con người khác không riêng gì chị. Chẳng biết tự bao giờ, người ta mặc nhiên định nghĩa “tự lập’’ là phải sống xa gia đình, không cần đến những sự quan tâm từ bố mẹ. Rằng những loại tình cảm ấy chỉ là sự bó buộc, chỉ là cái cớ người ta viện ra vì vẫn còn lệ thuộc vào tài chính gia đình. Ở các nước phương Tây, khi con cái đủ 18 tuổi là họ phải di chuyển ra ngoài, không còn chỗ cho sự dựa dẫm. Rồi chúng ta, cũng học hỏi từ điều ấy, mà không ngừng chờ đợi được tự do “vùng vẫy” trên bầu trời của mình…
Thế nhưng đã bao giờ trong định nghĩa của hai tiếng “tự lập” ấy đề cập đến việc phải rũ bỏ hết đi những tình cảm mà người khác dành cho mình? Có chăng đó chỉ là những mặc định muôn thuở của mỗi người, cứ “tách” khỏi gia đình đã rồi hãy tính đến việc tự lập! Đúng, khi tự lập thì mỗi người phải tự đưa ra nhưng quyết định từ chính bản thân, không phụ thuộc vào người khác. Đúng, tự lập là phải biết lo toan cho ngay cả những thứ vụn vặt nhất, không còn nhờ cậy đến ai nữa. Vì phải học tập, làm việc ở nơi xa gia đình nên người ta phải tự lập, tự lo lấy cho sinh hoạt của mình. Nhưng có ai không cho ta tự lập khi vẫn bên cạnh những người thân đâu chứ? Tự kiếm được nguồn thu nhập, tự xây dựng những mối quan hệ xã hội cho riêng mình nhưng mỗi khi về nhà lại cảm nhận được ánh mắt trìu mến của ba, được ngửi thấy mùi thức ăn của mẹ nấu, điều đó sẽ ấm áp biết chừng nào! Vậy mà, cớ sao khi nói đến tự lập, điều đầu tiên mà người ta nghĩ đến, vẫn không thoát được việc phải từ bỏ những yêu thương từ gia đình?
Thời đại này, đâu đâu người ta cũng tự bảo nhau hãy thoát khỏi “vùng an toàn” đi, phải tự mình tìm đến những gì khó khăn mà đương đầu, chứ mãi mãi quẩn quanh trong cảm giác an nhàn thì biết ngày nào mà trưởng thành. Tôi không cho đó là sai, nhưng khi người ta cứ chạy mãi theo những chông gai, tìm kiếm những thử thách vô hình nào đó để khi mệt mỏi nhìn lại, muốn một lần quay trở lại, thì cái “vùng an toàn” kia chũng chẳng còn nữa…
Cuối cùng thì nhu cầu của con người cũng là được hạnh phúc. Dấn thân, trải nghiệm để có sự trưởng thành; khám phá khó khăn, chinh phục những rào cản để khỏi bỡ ngỡ về sau. Sự tự lập cũng mang một ý nghĩa tương tự. Khó khăn sẽ vẫn chờ đợi phía trước nhưng một khoảnh khắc của hạnh phúc đôi khi sẽ khó lấy lại khi đã trôi qua. Vậy ta sẽ đón nhận một thử thách mà khi nhìn sang bên cạnh vẫn có một điểm dựa, hay sẽ từ bỏ những điều nhỏ nhoi ấy để đương đầu chỉ với riêng ta?
Nhật Huy