(FTUNEWS) – Một ngày tôi nhận tin nhắn của một “lão 22”: “Tuối 18 nói được nhưng chưa chắc làm được đâu, tuổi 22 thì nói ít hơn nhưng làm được hơn rất nhiều. Nhờ Ngoại thương cả đấy!”. Chợt băn khoăn, Ngoại thương là gì mà khiến người ta thay đổi vậy?
Của “mười tám”
Hồi chớm 18, Ngoại thương không cần được định nghĩa bằng diện tích, tọa độ hay hình dáng. Chỉ cần ngẫu nhiên nó mang một cái tên được bao người nhắc với nụ cười thế là đám trẻ 18 thích như thức quà trong giỏ chợ của mẹ. Đôi khi đám con nít 18 ấy còn không xác quyết vào Ngoại thương để học gì, ra trường làm gì hay ngờ ngợ bên tai mấy dòng “tám mươi phần trăm sinh viên ra trường làm trái ngành” thì vẫn dư dả dành cho Ngoại thương những đêm thức trắng với đống bài vở của cấp ba. Chỉ mong điểm thật cao, rồi điểm cao thật. Và để chứng minh cho thứ tình cảm gọi là “yêu trường” chúng còn bắt đầu cho mình những thói quen như mở lòng hơn, tập đọc sách kinh tế, viết CV điên cuồng và chạy đua với các cuộc thi. Chưa bao giờ người ta thấy tụi 18 đòi cạnh tranh danh hiệu “bẻ gãy sừng trâu” với lũ nhí nhố 17 như thế. Mặc dù hơn năm mươi phần trăm trong đám 18 ấy vẫn ngờ ngợ và ngập ngừng khi có ai đó hỏi: “Tại sao em học Ngoại thương?” hay đại loại như cái định nghĩa mà tôi vẫn đang tìm “Ngoại thương là gì?”, chúng liền đem thứ niềm tin son trẻ để đáp lại: Vì Ngoại Thương có môi trường năng động, em tin mình có thể phát triển bản thân (và tìm được công việc tốt sau khi ra trường, hẳn nhiên – tôi không thích nhắc nó ở đây, vì lắm kẻ sẽ không muốn nói ra).
Của “mười chín”
Bạn 19 không gọi Ngoại thương là Ngoại thương nữa, bạn ấy thường gọi là FTU. Hai chữ Ngoại thương để dành lại cho môn vấn đáp đầu tiên và đương nhiên qua một năm, bạn 19 lần đầu tiên đã trả lời được cho mình Ngoại thương “là việc trao đổi hàng hóa và dịch vụ (hàng hóa hữu hình và hàng hóa vô hình) giữa các quốc gia, tuân theo nguyên tắc trao đổi ngang giá nhằm đưa lại lợi ích cho các bên.” Câu ấy 19 phải thuộc lòng, vì biết đâu trong kì thi đặc sản ở đây, bạn ấy sẽ vô tình nở nụ cười với câu hỏi đó. Bạn 19 thì dư dả hơn đám nhóc 18 và cả những lão 22, Ngoại thương với 19 không còn xa lạ, một năm cũng đủ khiến bạn ấy đủ tự tin và hiểu biết ở ngôi trường này, là dư dả thói quen. Bạn còn hơn những lão 22 ở thời gian, vì năm hai thì vẫn còn thời gian cho những cuộc vui để vun vén kỉ niệm, chưa phải nắng mưa công sở. 19 vẫn còn những niềm tin ở Ngoại thương nhưng đã bớt mông lung, giống như việc bạn ấy can đảm tham gia “Bản lĩnh Marketer” chứ không phải cố gắng đạt 8.5 “Marketing căn bản”; mua một cuốn “TPOT” thay cho “Điểm bùng phát” hay thậm chí là đăng kí tham gia “Hoa hậu Việt Nam” chứ không phải một cuộc thi khởi nghiệp. Ý tôi là, Ngoại thương với 19 giống như một kẻ soi đường, cho bạn í vài dữ liệu và kĩ năng để tự tin làm điều mình thích, vượt qua định nghĩa của hai từ “Kinh tế” ấy.
Của “hai mươi”
Chị hai mươi điềm đạm hơn lũ trẻ em mình, vì chị đã bắt đầu mặc những chiếc váy bút chì và áo sơ mi đi làm, đi trải nghiệm và đôi lúc là còn đứng đầu dẫn dắt đám 18,19 vẫn còn nghịch ngợm và vô tư ấy. Thế là chị 19 ít đi những giọt nước mắt và than phiền về rắc rối, đôi khi chị ít xuất hiện hơn ở mảnh đất 0,5 hecta này lắm, nhưng nhắc về Ngoại thương, chị lại nghĩ đến những thế hệ, tức là lũ 18 và bạn 19. Chị 20 cũng bắt đầu nghiêm túc hơn trong các chị thi và ngẫm nhiều hơn về con đường đi từ cổng Ngoại thương tới cuộc sống sau này. Ngoại thương bây giờ không còn là nơi để chị hai mươi khám phá nữa, mà là nơi để trở về, tức là dù sao chị vẫn mới ngón nghén cái hai mươi tươi đẹp, mỗi lần buồn bực hay gặp khó khăn ở nơi tập sự chị lại nghĩ về Ngoại thương như nhà: có con bạn cùng bàn mỗi sáng đến lớp lại nhăn mặt ra cười như con nít hay cậu em trai lăng xăng nhắn mấy dòng thật non trẻ để hỏi mọi thứ linh tinh và còn cả những tập thể với những mảng kỉ niệm xếp lớp để chị lật tìm sự an yên ở đó. Vậy đó, Ngoại thương với chị hai mươi bây giờ không còn là cảm giác “ai cũng giỏi và to tát”, với chị, những người ấy thật “giản dị và thân quen”.
…và của hai mốt, hai hai
Hai lão này thì có lắm điều để nói, tức là Ngoại thương với lão như một khu nghỉ dưỡng, vài tuần mới ghé đến một lần và thường “check – in” kèm caption suy ngẫm nhiều lắm. Chẳng là từ cái hồi hai mốt, các lão đã học hết những học phần của đời sinh viên. À, Ngoại thương còn là nơi để các lão lăn tăn về cái khóa luận nữa, nào là gặp gỡ và trao đổi với giáo viên hướng dẫn, nghiên cứu và viết viết, suy nghĩ thật nhiều. Người ta dễ bắt gặp mấy lão 22 ở các công ty, doanh nghiệp hay thậm chí là cái cuộc thi showbiz hơn là ở trường. Và điều có lẽ đặc biệt nhất là ánh mắt và nụ cười của những lão hai mốt, hai hai rất khác. Người ta không còn thấy cái cười “toe toét” hay rổm rảng những câu “sau này tớ sẽ…” hay “ở Ngoại thương tớ sẽ…”, thay vào đó mỗi lần đọc được đâu đó hai chữ Ngoại thương, lão chỉ cười an yên, cứ hạnh phúc với một mối tình cũ dù không còn giao nhau nhưng vẫn ấm áp khi nhớ về. Lão hai mốt, hai hai làm được những thứ mà hồi 18 mơ mộng, chỉ khác là làm những điều lão thích, một cách tự do và chủ động, không phải vì định kiến của gã Kinh tế chỉ lối. Vậy là Ngoại thương bây giờ là một người cũ mà bất kì câu chuyện nào trong bốn năm tươi đẹp ấy, cũng hiển hiện như một ám ảnh đẹp đẽ.
Vậy, Ngoại thương là gì?
Tôi vẫn nhớ tiết mục mở màn cho FTU’s Day 2015, đoạn cuối có chi tiết cô bé 18 hỏi chị gái 22 “Ngoại thương ở đâu vậy chị?” và cô ấy trả lời: “Ngoại thương ở trong tim mình ấy em!”. Tôi nghĩ đó là một gợi ý hay cho câu trả lời về định nghĩa Ngoại thương của mình. Tôi ghét định nghĩa “Ngoại thương là một trường chuyên đào tạo về kinh tế và thương mại quốc tế” như Wikipedia. Ở lứa tuổi vẫn chưa được chín chắn và điềm đạm để trở thành một chị hai mươi hay lão hai mốt, hai hai, nhưng tôi tin rằng, khác với những niềm tin tôi gieo và từng nghĩ rằng Ngoại thương là nơi để học và trở thành một doanh nhân, một người làm trong lĩnh vực kinh tế, câu trả lời trọn vẹn nhất phải là “Ngoại thương là thanh xuân”. Hai chữ thanh xuân mà tôi mạn phép được định nghĩa cho những ai đã từng là sinh viên Ngoại thương có lẽ đủ sức mạnh để bảo vệ cho những kỉ niệm, hoạt động, học tập và câu chuyện mà chúng ta từng có ở nơi này. Ngoại thương – nơi ta sống những ngày tháng của tuổi trẻ, là độ 18 đến 22 tràn đầy nhiệt huyết; cũng là nơi cho ta dữ liệu để định hướng con đường thật sự muốn gắn bó nếu như tuổi 18 chưa đủ trải đời để quyết định, và còn là nơi cho ta gặp những con người khiến ta thay đổi cả cuộc đời. Nên Ngoại thương, theo một cách giản dị nhất, là thanh xuân, không nhất hiện phải hiển hiện trên chiếc đồng phục chỉ mang trong 4 năm mà là ở trong tim mình, vậy đó. Chúng ta ai cũng sẽ đóng vai tụi 18, bạn 19, chị 20 và lão 21,22, tôi tin rằng, bằng trải nghiệm của riêng mình, ta sẽ có những định nghĩa chính xác nhất, nhưng cho dù thế nào, cũng không “trốn khỏi thanh xuân”.
Quỳnh Hương (Hữu)