Nước cờ mới mang tên: Tài năng nhí?
0 0
Read Time:4 Minute, 33 Second

(FTUNEWS) – Ngày nay, nếu kiên nhẫn ngồi trước màn hình ti-vi, bạn có thể dễ dàng bắt gặp vô số các cuộc thi, chương trình truyền hình mà nhân vật tham gia không ai khác chính là trẻ em. Một câu hỏi lớn được đặt ra rằng liệu thiếu nhi có đang trở thành công cụ kiếm tiền, chiêu trò “câu khách” của các nhà sản xuất Việt Nam?

“Nấm mọc sau mưa”

Học tập các quốc gia có nền giải trí phát triển rực rỡ như Hàn Quốc, Hoa Kì…, ba năm trở lại đây, nền công nghiệp truyền hình Việt Nam đã cho ra đời hàng loạt cuộc thi, chương trình tìm kiếm tài năng nhí: “Người hùng tí hon”, “Gương mặt thân quen nhí”, “Giọng hát Việt nhí”,… Thậm chí, một số “sân chơi” khác như: “Tìm kiếm tài năng Việt” hay “Thách thức danh hài” cũng không hề thiếu vắng sự xuất hiện của trẻ em với tư cách là thí sinh dự thi.

Một điều không thể phủ nhận rằng, thiếu nhi chính là một “mảnh đất màu mỡ” cho các nhà sản xuất truyền hình thỏa sức cày xới để thu hoạch “món hời kếch xù”. Bởi, khi những đứa trẻ xuất hiện trên sóng truyền hình, sự quan tâm không chỉ đến từ phía những vị khán giả nhỏ tuổi, mà còn cả khán giả lớn tuổi, là những bậc phụ huynh. Bên cạnh đó, sự hồn nhiên của trẻ em cũng dễ dàng trở thành “câu chuyện truyền thông” thu hút báo chí và dư luận. Phải chăng vì thế mà bất cứ chương trình truyền hình Việt Nam nào chỉ cần thêm một chữ “nhí” phía sau là cũng đủ bảo đảm sự thành công và dự báo cho những mùa hai, ba… sắp sửa ra mắt?

Nhưng theo quy luật tất yếu, việc trẻ em “phủ sóng” quá nhiều đã dẫn đến tình trạng “bội thực”, bão hòa và chất lượng xuống dốc. Một vài chương trình chỉ tạo sự chú ý cho khán giả ở một hai mùa đầu; thậm chí một số khác hoàn toàn trong tâm trí người xem, vậy mà các nhà sản xuất vẫn không ngừng ra mắt “sản phẩm” mới.

Cán cân không xứng: lợi – hại

Ai cũng có thể biết rằng mục đích ban đầu của các nhà sản xuất truyền hình là để xây dựng một sân chơi tìm kiếm và phát triển các tài năng nhỏ. Những cuộc thi, chương trình ra đời nhằm tạo điều kiện cho các em trau dồi kiến thức và sự tự tin. Tuy nhiên, sự thật có phải như thế? Khi chương trình kết thúc người ta chẳng buồn quan tâm quán quân là ai, liệu các em sẽ phát triển như thế nào với danh hiệu đó. Điều người ta tập trung bàn tán hầu hết đều hướng về ban giám khảo hoặc những vụ lùm xùm xung quanh. Cụ thể như trường hợp của quán quân Giọng hát việt nhí mùa đầu Quang Anh. Dù bước lên ngôi vị cao nhất nhưng những gì khán giả nhớ về em chỉ là một cậu bé được cha mẹ hậu thuẫn, làm đủ mọi cách thậm chí phát cả tờ rơi để kêu gọi sự bình chọn tại quê nhà.

Chưa kể, việc lên sóng truyền hình quá sớm còn gây ra hậu quả tiêu cực cho các em về cả mặt thể chất lẫn tinh thần. Theo TS Ngô Xuân Điệp, những chương trình nhí liên quan đến hoạt động trình diễn thời trang, ca nhạc buộc các em phải diện trang phục không hợp tuổi, tạo dáng, trình diễn theo phong cách người lớn, hát nhạc người lớn dễ dẫn đến khuynh hướng “ép non”, như trường hợp của Phương Mỹ Chi là một ví dụ điển hình. Đấy là chưa kể những đợt sóng ủng hộ hay chê bai, thậm chí là tẩy chay từ mạng xã hội, hay trên hệ thống tin nhắn bình chọn cũng tạo ra những xúc cảm cực đoan cho trẻ.  Những em bị loại khỏi cuộc thi có thể sẽ mang tâm lý mặc cảm tự ti, cho rằng mình kém cỏi hơn bạn. Ngay cả những em vào top thí sinh giải cao, giành được chiến thắng đi chăng nữa thì lại nảy sinh vấn đề dễ kiêu căng tự phụ, để rồi sau đó không muốn cố gắng phấn đấu trong học hành.

Không phải ngẫu nhiên mà Hoa Kỳ hay Trung Quốc đang dần đưa ra nhưng luật lệ kiểm soát và hạn chế sự phát triển rầm rộ của các chương trình truyền hình thưc tế dành cho thiếu nhi. Nhưng tại Việt Nam, mọi sự vẫn diễn ra một cách “hiển nhiên đến đáng báo động” khi ngày càng có nhiều nhà sản xuất tham gia vào cuộc đua “thương mại hóa” trẻ em.

Một ván cờ không mới nhưng những nước cờ mới vẫn đang bị lạm dụng đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Thế nhưng, bài toán được đặt ra mà mãi chưa có lời giải thỏa đáng khi các cơ quan chức năng, các nhà sản xuất vẫn chưa có sự lưu tâm phù hợp!

Huy Thái

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %