(FTUNEWS) – Ngay cả khi chưa đặt chân vào mảnh đất nửa héc-ta ở D5, tôi đã được nghe kể về sự tích “ngàn đô” của dân Ngoại thương. Rồi khi đã là một phần của FTU, tôi lại thấy các anh chị bước nhanh, bước vội, chả kịp nhận lấy câu chào của chúng tôi. Hồi đó, Ngoại thương với tôi, cũng như với bao người “ngoại bang” khác, là mảnh đất của một lũ “chảnh”, nếu không nói là tự phụ ngất trời…
- Ngoại thương – Chuyện những người đãi “vàng” tìm “cát”
- Tôi chọn đẹp
- Đừng tìm Ngoại thương trong từ điển
Cũng chả biết tự lúc nào, người ta gán cho Ngoại thương cái mác đó, để rồi biết bao thế hệ “Phờ-tu” lại đau đầu để tìm cách gỡ nó đi.
Cái “mác” chảnh
Sự việc bắt đầu từ năm 2012, khi cư dân mạng rộ lên về những phát ngôn như “Sinh viên Ngoại thương lương dưới 1000USD không làm”, hay mẩu tin tuyển dụng lưu ý rõ “không tuyển dụng sinh viên Ngoại thương” kèm lời giải thích “hầu hết các sinh viên này đều mang bệnh chảnh”. Và rồi, một đoạn clip “Sinh viên Ngoại thương ‘dậy sóng’ vì bị chụp mũ “chảnh”” với thời lượng 2p23s lại tiếp tục thổi bùng cái mác ấy lên.
Cái mác ấy, còn ám ảnh dân FTU ngay cả trong một vấn đề cũng được quan tâm không kém, ấy là chuyện tình cảm. Con gái Ngoại thương sẽ chả hiếm khi nghe được một lời giải thích theo mô-típ “Tớ thích cậu lắm nhưng tớ không dám tới gần”, bởi như đã xinh và giỏi thì sẽ kiêu. Đấy cũng chính là lí do mà ngoài cái mác được dân ngoại bang gán cho đó, FTUers còn ưu ái gọi nhau là “những kẻ ế”!
Con đường gỡ “mác”
Là một “phần tử” của ngôi trường này, tôi chỉ đơn giản muốn để lại một góc nhìn khác – từ chính một người Ngoại thương cảm nhận Ngoại thương. Tôi muốn gọi nơi đây là ấm áp.
Có người bảo nhịp sống ở FTU vội vã quá, đến nỗi người ta không còn muốn cười với nhau nữa. Nhưng gắn bó với mảnh đất này lâu thêm một chút, tôi lại thấy người ta thương nhau thật tâm hơn. Người chị khóa trên có thể làm lơ câu chào của tôi, nhưng sẽ lẳng lặng đọc từng dòng trạng thái đầy tâm sự, rồi vào một ngày đẹp trời nào đấy, chìa ra một cuốn sổ tay xinh xắn và chỉ tôi cách sắp xếp cuộc sống của mình. Đứa bạn cùng lớp tôi, thường sẽ xua đuổi nếu tôi có ý định ngồi cạnh nó, nhưng lúc tôi thất bại nhất, sẽ khẽ cười và nói “Tao luôn tin tưởng mày đấy!”
Tôi không biết phải đi đâu mới tìm được nơi cho tôi cảm giác an yên như ngôi nhà nhỏ Phờ-tu này. Trường bé lắm, nên đi đâu cũng đụng phải người quen. Nhưng người ta bận lắm, nên tất cả chỉ dừng lại ở những cái gật đầu chào. Vậy nên tôi thích ngồi ở canteen, ở khu tự quản, ở thư viện trường – bởi ở đó, tôi thấy được, người Ngoại thương cười với nhau nhiều: chia sẻ từng dĩa cơm, ly nước, kể nhau nghe những buồn vui đời thường, và yêu nhau bằng cái tình trìu mến. Có thể với bên ngoài, FTU gai góc, FTU chảnh chọe, nhưng có sao đâu nếu cái vỏ đó chỉ để người ta bảo vệ mình trước dông bão của dư luận? Có sao đâu nếu người ta vẫn gọi nhau là người nhà để rồi dành hết bao yêu thương đùm bọc?
Nhưng tôi dám cam đoan với bạn, cái “mác” Ngoại thương ấy đi kèm với một giá trị mà biết bao thế hệ Ngoại thương vẫn luôn bảo vệ và dựng xây, cũng là cái “mác” mà không ít người muốn gắn lên mình. Người Ngoại thương có quyền giữ trọn niềm kiêu hãnh về chính bản thân, không chỉ bởi điểm đầu vào chót vót, bởi giải thưởng ở các cuộc thi, hay bởi những điều tốt đẹp góp ích cho xã hội sau khi ra trường, mà bởi chính những con người ở D5 đã tạo nên một Ngoại thương của ngày hôm nay – một Ngoại thương dù gánh biết bao tai tiếng nhưng vẫn vẹn nguyên sức hút với vô vàn bạn trẻ khao khát và ước mơ.
Ảnh: FTUNEWS và Nguyễn Thành Luân
Bài: Vịt