Tôi đã không yêu má nhiều. Vì ti tỉ lý do.
Tôi giấu má.
Tôi từng nghĩ má làm má chưa trọn vẹn. Từ cách ăn mặc, nói năng đến cử chỉ – tôi đều không thích. Má hay mặc quần đen, áo bà ba mỗi khi ở nhà, khi ra đồng, khi tiếp khách, khi đi chợ,… Ngay cả khi đi đám cưới của ông bạn trong công ty bố, má vẫn thản nhiên mặc quần đen với áo bà ba tím. Lần ấy, trước những lời chế giễu, tôi đã thẹn đến nỗi nói rằng đó không phải má tôi.
Má cũng là người nói năng chẳng liền mạch hay lô-gic. Má chẳng bao giờ chịu lắng nghe mọi người, đã thế còn hay mắng: “Chị em bây là đồ con nít, miệng còn hôi sữa mà đòi dạy đời tao!”. Má là vậy, thích gì nói đó, chẳng lựa lời hay ý đẹp như má mấy đứa bạn tôi. Nhiều lần tôi khuyên má xem tin tức thời sự để biết chuyện Tây, chuyện Tàu với thiên hạ, vậy mà má chỉ thích xem mấy tuồng cải lương có Minh Vương, Lệ Thủy giọng ngắn, giọng dài. Vậy nên, tôi chẳng bao giờ dám dẫn bạn về nhà chơi, vì sợ má nói chuyện đâu đâu về cái thôn nghèo hay chuyện bà Bảy đi tát cá hụt chân mà gãy cổ…
Rồi cả cái tính quê mùa của má làm tôi nhiều lần dở khóc dở cười. Chị em tôi lên thành phố học, má dúi bằng được vào túi áo đôi ba tép tỏi để chống bùa của mấy tên cướp. Đưa hai chị em tôi tới bến xe, má còn nhét thêm vài trái cóc xanh và mắm ruốc, mấy quả chuối sim vừa nấu, trái ổi, bịch muối tiêu má tự tay rang. Má nói để ăn khi học bài buồn ngủ, nhưng má đâu biết tôi ngại vô cùng khi mấy thứ chẳng giá trị đó rớt leng keng, lạch cạch trên sàn xe đò. Tôi đã ước chi má tốt hơn, giỏi hơn, hoàn hảo hơn để tôi có thể hãnh diện với mọi người hơn.
Tôi đã giấu má.
Tôi không yêu má bằng má hai, không yêu má như tôi đã yêu bố. Giữa tôi và má diễn ra nhiều sự mâu thuẫn mà má chẳng bao giờ chịu thua, đến nỗi cái nhà lá muốn nổ tung vì chịu không nổi âm thanh của má. Những lúc đó, tôi lại nghĩ đến bố, đến má hai.
Tôi cũng giấu má.
Rằng chân má xấu, nhiều nếp nhăn, nứt nẻ; nhiều lần tôi góp ý mà má không chịu đi làm đẹp lại. Mấy đứa bạn tôi bảo: “Sao mày để má mày khắc khổ vậy?!”. Tay má thô ráp, làm món ăn chả ngon. Hôm thì mặn chát, hôm thì ngọt ngây.
Và tôi còn giấu má nhiều thứ lắm!
…
Nhưng tôi phải cám ơn cuộc đời đã mang lại cho tôi nhiều hiểu biết, nhiều biến cố để giật mình, để hiểu được những giá trị yêu thương bền vững. Người ta thường hờ hững với những gì mình đang có trước mắt, đến khi đã mất đi hay nhắm mắt xuôi tay thì mới biết trân quý, dẫu có muộn màng. Tôi hay bạn, những lúc thăng trầm trong cuộc sống sẽ nghĩ đến má. Và chỉ có má.
Những ngày này, bước chân qua những cơn mưa phù du của thành phố hay những cơn ngập lụt nhỏ, tôi lại nhớ đến đôi chân không đẹp của má. Đẹp sao được khi má chân trần bắt cá rô đồng trên bờ đê những khi mưa to, gió lùa, cây ngã. Đẹp sao được khi má phải chạy lên rạ đồng để vác lúa về kịp con nước lớn. Ngày nóng 39o, má đi xúc lúa, chẻ củi với bàn tay chai sạn. Đêm về gió giật, lũ quét, má chạy chữa, dời tủ áo, chiếc gối cho chị em tôi lên gác trú, thời gian đâu mà xem thời sự?!
Khi ông bà nội, má hai và những người thân thương đã không còn bên tôi nữa thì má là lựa chọn duy nhất. Tôi bắt đầu chấp nhận má nhiều hơn. Tôi nhận ra mình đòi hỏi quá nhiều ở má mà quên mất rằng má với tôi là hai con người ở hai thời đại khác nhau. Má sống trong những ngày bom đạn Mỹ làm mưa trên mảnh đất Nam bộ, ăn bo bo, cháo cám mà sống để nuôi tôi trưởng thành như bây giờ.
Tôi nghĩ đến má nhiều hơn và thèm trái ốc, quả ổi với mắm ruốc nhiều hơn. Tôi nhận ra má làm vậy chỉ vì yêu tôi, nhưng theo một “cách khác”. Mâu thuẫn giữa tôi và má chỉ là sự mâu thuẫn giữa hai thời đại. Đơn giản vậy thôi. Mỗi người đều có những khuyết điểm và không ai hoàn hảo, quan trọng bạn phải biết chấp nhận, thích nghi, thay đổi và tiến tới sự bố sung để hoàn thiện mối quan hệ chỉnh thể giữa những con người với nhau.
Gió lạnh đầu mùa thốc vào mặt. Tôi nhớ đến má, và có lẽ tôi đã tìm ra được câu trả lời cho mình. Đó là tự nhiên. Đó là tình yêu. Và một khi đã yêu rồi thì không có bất cứ nguyên tắc, quy luật nào.
Sáng nay, hộp thư bưu điện đã được mở. Có một cánh thư tay được gửi đi.
Và tôi không còn giấu má nữa…
Ty Pha