(FTUNEWS) – Tôi hỏi em tại sao lại đứng yên dưới mưa trong khi có thể bước lên để tránh làm mình ướt. Em cười nhẹ nhàng rồi đáp gọn: “Em không đứng yên, em đang chạy”.
- K54: Đi, chạy, hay giậm chân tại chỗ
- FTU’s Day 2015 Highlights
- “Chất Ngoại thương” âm ỉ sau sân khấu
Tôi “chạy”
Tôi kể em nghe về những bước chân. Tôi kể em nghe về những con đường, về nhịp giày, nhịp thở trên đường chạy. Tôi định nghĩa cho em – cô sinh viên Ngoại thương năm nhất về “chạy” gói gọn trong hình dung một hành động giản đơn mà em vẫn có khả năng hiểu nếu tôi không nói. Chạy là để giải trí, chạy là để thỏa đam mê vận động và chạy phải có điểm ngừng. Tôi đinh ninh làm gì có ai đủ sức để chạy mãi trên cung đường bất tận.
Em “chạy
Em chưa bao giờ chấp nhận định nghĩa “chạy” của tôi. Em bảo “chạy” thì đừng ngừng nghỉ, đơn cử như nhịp tim chẳng bao giờ ngừng lại trong suốt hành trình dẫn những vi mạch sự sống. Rồi, những trang nhật kí năm nhất cũng bắt đầu dày, em khoe được chạy FTU’s Day, được chạy deadline cho Câu lạc bộ, “được” bỏ một ngày nghỉ để chạy dự án với bạn bè rồi lại thức khuya để chạy kịp bài tập cô giao trên lớp. Tôi thấy một cô gái Ngoại thương bé bỏng suốt ngày vây quanh bởi những nhịp chạy. Em vẽ cho mình những đường đua để thắng sự rảnh rỗi. Em vẽ cho mình những đường chạy trên mảnh đất Ngoại thương để thấy mình có nghĩa. Và, không biết tự bao giờ, em định nghĩa “chạy” trong từ điển của mình là cống hiến, tồn tại và hơn hết là sự trưởng thành.
Ở Ngoại Thương, đừng bao giờ ngừng chạy
Tôi gặp em ở một chương trình, em đứng đó, yên một chỗ, run run, ướt sũng. Trái với vẻ vồn vã trong câu hỏi: “Sao lại đứng yên dưới mưa khi có thể bước lên để tránh làm mình ướt?”, cô sinh viên năm nhất chỉ gọn gàng: “Em không đứng yên, em đang chạy”. Thế rồi, một định nghĩa mới về “chạy” lại được mở ra, tôi hiểu đó là lúc người ta nhận thức được trách nhiệm của bản thân cao hơn những mong muốn thực tại tầm thường. “Ở Ngoại thương, đừng bao giờ ngừng chạy. Không biết chạy cho điều gì, vì cái gì, hãy tìm một công việc, một lí do để chạy hàng ngày.” – Em dõng dạc.
Nhiều khi chạy còn vì thương, vì nợ. Ở Ngoại thương, sau mỗi chương trình, mỗi đường chạy luôn là những hạt tinh cất tình cảm rắc rải suốt những năm tháng sinh viên. Nếu ai đó chững lại chỉ bởi những cảm xúc bản thân, thì chính họ, chứ không ai khác cũng đang dập tắt vụn lửa trên những đường truyền.
Tôi đã từng như em, cũng đam mê với những thử thách ở môi trường mới. Thế nên dù thực tế chỉ hơn em 365 tờ lịch tôi vẫn tự hào số bước chạy và nhịp lửa trong tôi nhiều hơn thế. Những gì tôi hỏi em, tôi hiểu tôi không ngô nghê, nhưng cách em nghĩ, cách em hành động đã thực sự đánh thức bản thân tôi, mà là tôi của nguyên sơ thưở trước.
Quỳnh Hương