(FTUNEWS) – Khi những ngày nắng chói chang trải dàn ngút tầm mắt, đó cũng là lúc mỗi người Ngoại thương lựa chọn cho mình một hành trình. Có người tiếp tục với hành trình của cuộc sống đời thường, có người tạm gác lại những bộn bề để tìm đến với những chuyến đi. Bởi ai đó đã nói: “Vì cuộc đời là những chuyến đi, và cuộc sống là những chuỗi ngày dài tiếp nối những cuộc hành trình”. Hãy cùng FTUNEWS lắng nghe 4 nhân vật Ngoại thương kể về những hành trình xuyên Việt đầy ý nghĩa với từng câu chuyện riêng của mỗi người, bạn nhé!
- Sống đẹp cùng “Tỏa sáng nghị lực Việt”
- Ngoại thương rực lửa Aerobics
- Quang Đăng khởi đầu ngày thi đấu Aerobics
Xe bus yêu thương – Hành trình xuyên Việt bằng tấm lòng thiện nguyện
“Xe bus yêu thương” là tên gọi của một nhóm công tác xã hội do thầy Nguyễn Hữu Bình, giảng viên bộ môn Luật của trường Đại học Văn Lang thành lập. Cũng có lẽ là nhờ chữ “duyên”, chàng trai Huỳnh Phước Thọ (K48C) đã kịp đăng kí tham gia vào hành trình ngay trước khi khởi hành một ngày. Đi qua 25 tỉnh thành, từ Sài Gòn đến tận Lạng Sơn chỉ trong 14 ngày 12 đêm, nhóm “Xe bus yêu thương” đã tổ chức được 16 chương trình cho các em nhỏ gặp hoàn cảnh khó khăn. Mỗi điểm dừng chân đều để lại một nỗi niềm lớn trong lòng mọi người. Gương mặt em thơ vẫn còn in dấu nỗi nhọc nhằn của cuộc sống, nụ cười hồn nhiên của em vẫn còn phảng phất nhiều ít những nỗi buồn, Thọ chia sẻ: “Có lần chương trình diễn ra ở Pang Tiên – Lâm Đồng. Hôm đó trời mưa lớn lắm, vì đường trơn và lầy lội nên các thành viên phải đi bộ 2km đường đất đỏ mới đến được với các em. Đến trễ so với dự kiến, để các em phải chờ, mọi người ai nấy đều xót xa. Thế mà chúng mình lại còn được các em nhỏ khoác lên cổ một cái vòng tự xâu bằng tay. Theo tục lệ ở đó, chỉ có những người có ơn lớn với làng mới được tặng chiếc vòng này. Nghe mà ấm lòng lắm”.
Trong suốt cuộc hành trình, các thành viên trong đoàn gặp không ít khó khăn. Vấn đề lớn nhất là thời gian nên phần lớn đều dành ở trên xe. Có những đoạn đường rất khó đi nên nhiều lúc bị trễ thời gian so với dự định, chuyện vệ sinh cá nhân cũng gặp không ít trở ngại. Thế nhưng vượt qua tất cả, hành trình đã đưa được niềm vui đến với các em và sẻ chia cùng các em những nỗi đau và khó khăn trong cuộc sống.
Đi để trải nghiệm, đi để yêu thương nhiều hơn, và đi để thấy Việt Nam đẹp đến nhường nào. 25 tỉnh thành là 25 dấu ấn khó phai trong lòng mỗi thành viên trong hành trình “Xe bus yêu thương”. Xe đã lăn bánh, nhưng những trăn trở và yêu thương vẫn còn mãi ở nơi đây. Làm sao để các em được hạnh phúc hơn, làm sao để nỗi đau không còn hằn lên những gương mặt ngây thơ non nớt. Đó cũng chính là câu hỏi lớn mà Huỳnh Phước Thọ cũng như các thành viên trong đoàn đang cố gắng đi tìm câu trả lời.
ICHA – Một chuyến đi để trả lời cho 3 câu hỏi
“Tôi là ai?”, “Tôi đến từ đâu?” và “Tại sao tôi tồn tại trên thế giới này?”. Đó chính là 3 câu hỏi được đặt ra cho mỗi thành viên tham gia hành trình ICHA. Và với Dương Hồng Phúc (K49CLC1), câu trả lời cho 3 câu hỏi trên đã thay đổi sau khi tham gia hành trình này.
Tham gia chuyến đi, Hồng Phúc cùng 9 thành viên còn lại đã được trải nghiệm những tình huống chưa bao giờ gặp phải. Chẳng hạn như ở Đồng Cao (Bắc Giang), cả nhóm đã được sống một đêm “xa rời” thế giới văn minh, không điện, không internet, không điện thoại. Còn ở Phan Rang, mọi người đã trở thành những nông dân trồng nho trong một ngày, làm những công việc mà trước đây mình chưa từng nghĩ đến. Hồng Phúc tâm sự bản thân dường như nhận ra sự thiếu định hướng và kĩ năng sống cho chính bản thân mình qua chuyến đi này. Trăn trở và suy nghĩ, các thành viên dần trưởng thành và có những cái nhìn mới cho cuộc sống của mình.
Dù gặp khó khăn về thời gian cũng như kinh phí, các thành viên trong đoàn đã có những kỉ niệm tuyệt vời khi được cùng nhau đi khắp mọi miền đất nước. Điểm dừng chân để lại trong Phúc nhiều ấn tượng nhất chính là đèo Hải Vân. Lần đầu tiên, Phúc nhận ra Việt Nam mình thật sự đẹp tuyệt vời đến vậy. Việt Nam hẳn là không hề thua kém gì các nước bạn, thế nhưng hạn chế trong truyền thông và quảng bá đã khiến nhiều người lãng quên đất nước chữ S này. Đó cũng là một niềm trăn trở mà Phúc mang theo sau cuộc hành trình này.
“Cuộc đua kì thú 2013” – Chuyến du lịch kết hợp công việc đầy thú vị
Vốn yêu thích chương trình Amazing Race của Mỹ, Nguyễn Hoàng Duy (K48D) đã nhanh chóng đăng ký vào vị trí nhiếp ảnh cho chương trình “Cuộc đua kì thú 2013”. Ngay khi nghe giới thiệu từ người bạn Bảo Hoàng (K48A), thành viên trong BTC, Duy đã không ngần ngại tạm gác công việc ở Sài Gòn để cùng ekip chương trình rong ruổi trên khắp mọi miền đất nước.
Một điểm cộng rất lớn ở chuyến du lịch 2 trong 1 này là Duy không phải lo lắng gì về vấn đề ăn uống cũng như di chuyển. Không những được đi dọc đất nước từ Nam tới Bắc, Duy và Hoàng còn được dừng chân, làm việc và khám phá những địa điểm “đinh” trên bản đồ Việt Nam như Mũi Cà Mau, Buôn Đôn, Sơn Đoòng (Quảng Bình), Cát Bà, Sa Pa… Tham gia chương trình với mục đích công việc nhưng trong thời gian rảnh rỗi, Duy và Bảo Hoàng cũng tranh thủ đi khám phá những địa danh và như thể đang cùng nhau du lịch “bụi” vậy.
Hơn 150 con người với 23 máy quay, 5 chiếc ô tô và xe tải, ekip được đánh giá là “đồ sộ nhất của truyền hình thực tế Việt Nam” đã cùng nhau làm việc cật lực để đem đến những thước phim hấp dẫn nhất cho khán giả. Vì là nhiếp ảnh duy nhất của chương trình nên Duy cũng gặp không ít khó khăn. Hằng ngày, đội PR gồm Duy và Bảo Hoàng phải nghiên cứu kĩ lịch trình của các đội chơi, tìm kiếm phương tiện di chuyển và xem xét những góc hình “đắt” để chụp được những bức ảnh thật sống động và đặc sắc.
Đi dọc đất nước trong 32 ngày, Duy đã có cơ hội ngắm nhìn sự thay đổi về cảnh quan và nếp sống của người dân từ Nam đến Bắc. Trở về sau hành trình xuyên Việt, tuy có chút thấm mệt nhưng điều buồn nhất trong lòng Duy chính là cảm giác tiếc nuối khi phải rời xa ekip đồng hành. “Thỏa mãn” chính là một từ còn đọng lại sau khi kết thúc hành trình, bởi lẽ Hoàng Duy đã có một tháng tuyệt đẹp sống và trải nghiệm hết mình.
Vy Vy