Sớm nay, những cơn gió bấc lại ùa về. Chúng len vào từng kẻ tay tôi rồi lại nhanh chóng xượt qua, làm gợi nhớ lên bao hình ảnh xưa cũ ngày đã xa: tà áo dài bay phất phơ trong gió của một thời học trò thơ dại, hình ảnh người phụ nữ với đôi quang gánh liêu xiêu bước đi trong làn sương nhẹ giữa không gian làng quê yên ả, cả những lời nói ấm áp của mẹ tôi mỗi khi đông về: “Hổm rày trời lạnh, nhớ đắp mền nha con”.
Mùa đông ở quê tôi không rét buốt, nhưng cũng đủ làm cho một người vốn đã quen với tia nắng giòn tan, giòn đến rát da, phải rùng mình chui rút vào chiếc giường ấm áp. Khí trời mỗi độ này lại có vẻ gì đó trong hơn, và thoang thoảng một mùi hương êm dịu – một hơi thở từ quá khứ mang theo linh hồn của vùng sông nước nơi đây. Một cái Tết nữa lại sắp đên, một cái Tết Nam Bộ không náo nhiệt phồn hoa, thậm chí là chán ngán trong mắt những cư dân Sài thành, quanh năm chỉ quen với tàu xe hiện đại, lâu lâu mới có dịp về quê thăm ông bà tổ tiên. Một cái Tết không có gì đặc biệt.
Tôi chợt nhẩm lại trong đầu, hình như chưa có cái Tết nào tôi xa quê cả, và tôi cũng chả muốn làm thế. Không biết từ bao giờ mà trong mắt nhiều người, Tết là dịp để đi chơi, đi xõa cho thỏa thích, để khoe những bộ cánh lộng lẫy mới tinh trước mặt đám bạn nheo nhút. Trong kí ức tôi, Tết là thời gian đoàn viên, là lúc vợ chồng con cái bồng bế nhau về nơi quê cha đất tổ, cùng ăn mâm cơm tất niên với ông bà cha mẹ, rồi kéo nhau lên chùa xin lộc, cầu cho một năm mới bình an và thịnh vượng, là những thời khắc thanh bình, tránh đi những bộn bề lo toan, lừa lọc của cuộc sống bên ngoài. Ngày Tết quê tôi, giản dị, mộc mạc như chính những con người ở đây.
Mới độ xuân rồi, tôi còn ngồi bên bếp lửa riu riu, ấm áp của nồi bánh tét mẹ nấu đêm giao thừa. Lâu lắm tôi mới thấy mẹ tôi gói bánh, đơn giản vì bây giờ chả ai còn làm, và mẹ tôi cũng đã không còn nhiều sức để làm công việc đó nữa; qua một cái Tết, những nếp nhăn trên trán mẹ tôi lại nhiều thêm. Những hồi ức về một ngày Tết làng quê đúng nghĩa vẫn thường được mẹ tôi nhắc lại. Vào cái thời của mẹ tôi, khoảng những năm 50-55 gì đó, người ta sống còn truyền thống lắm. Nhà nhà cứ đến kì là tất thẩy dọn dẹp, tân trang, cắt tỉa cấy cối cho nó chóng ra hoa; mà khi xưa làng sớm đối xử với nhau bằng tình nghĩa, nhà nào có việc là cả làng đến giúp, chẳng quản nắng mưa. Nhà cửa thì thưa thớt; có khi cách cả quãng dài mới có một căn, thế mà tất thảy đều biết nhau, đều thân thiết với nhau hơn cả anh em ruột thịt trong nhà. Đồ ăn thức uống ngày ấy còn lắm thiếu thốn, mẹ tôi kể, để có được vài miếng thịt ăn cho nó có này có kia vào những hôm 30, mồng một là phải đổi 2-3 giạ thóc, ấy thế mà bà con trong xóm ai có gì cũng chia sẻ cho nhau. Bản chất lương thiện, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi của những con người không hề có máu mủ gì với nhau, đó chính là chất Nam Bộ xưa – thứ mà đang dần dần mất đi, thay vào đó là sự tính toán và nhỏ nhen, vị kỷ.
Lâu lâu có dịp ngồi lại quây quần bên ấm trà nghi ngút khói giữa tiết trời se lạnh, các ông già bà cả trong dòng họ vẫn thường móm mém nhắc lại về những ghe, xuồng ba lá, giỏ đầy ắp trái cây tấp nập ngược xuôi trên những miền sông nước quê hương. Người trên bờ, dưới sông tay chuyền thoăn thoắt, trao nhau những nụ cười chân chất của nhà nông. Nhà nhà làm dưa, gói bánh, mần heo, mần gà, ủ rượu, không ai giàu nhưng ai cũng muốn Tết thật sung túc. Mâm ngũ quả thì bao giờ cũng có đủ: cầu, dừa, đủ, xoài, sung;hái từ chính những cây mọc ngay sau hè. Hàng mai trước nhà sau ngõ bừng lên một màu vàng tươi, những cánh hoa rơi phủ đầy một khoản sân bên cạnh bàn thông thiên được cẩn thận lau chùi.
Ngày ấy nhà tôi cũng có một cây mai cổ thụ. Nó to lắm, bằng cả một người ôm. Ba tôi kể hồi đó cây mai này do chính bà nội tôi trồng, tính ra nó còn lớn hơn ba tôi. Hòa cùng dòng chảy của thời gian, những cánh hoa không còn rộ như trước, lá rơi rụng nhiều đi, thân cây loang lỗ những vết mối đục. Rồi ….. ba tôi cũng bán nó đi theo thời cơm áo khó, mang theo đó là những nuối tiếc khôn nguôi về một thời đã xa.
Hoàng Anh