Tôi bán thời gian và chất xám của mình với giá bao nhiêu?
0 0
Read Time:5 Minute, 16 Second

(FTUNEWS) – Với những người trẻ vừa chạm ngõ vào đời, câu chuyện đi làm thêm tưởng chừng cũ nhưng chưa bao giờ hạ nhiệt. Giữa 1001 công việc có thể tìm được ở đất Sài Gòn hoa lệ, công việc nào sẽ là phù hợp nhất? Làm sao để không bị cuốn đi khi đang mải loay hoay cân bằng giữa việc làm và việc học? Đây là dấu hỏi lớn người ta hay đặt ra, mà lời giải đáp vẫn còn bỏ ngỏ…

Nỗi niềm của “những kẻ vừa lớn”

Bước qua tuổi 18, hẳn ai cũng khao khát được sử dụng đồng tiền do chính mình làm ra, đó là một lẽ dễ hiểu. Ngoài chi phí cơ bản, đôi khi sinh viên còn phải đối mặt với vô số khoản tiền phát sinh từ trên trời rơi xuống. Với tâm lý của “những kẻ vừa lớn” muốn độc lập về tài chính và trải nghiệm xã hội, ngay từ những năm đầu đại học, kế hoạch đi làm thêm đã xuất hiện trong to-do-list của nhiều bạn trẻ.

Đối với sinh viên mới tập đi làm, công việc mà đa số các bạn tìm đến là những việc chân tay như phục vụ bàn, tiếp tân, bán hàng theo giờ,… với mức lương khoảng 1- 2,5 triệu đồng/tháng. Công việc này tuy đơn giản, phù hợp với sinh viên nhưng lại khá vất vả, dễ gặp những bất cập. Điển hình như bạn M.Hạnh làm việc tại một rạp chiếu phim từng bị buộc tăng ca đến tận 12 giờ khuya nên bị cướp trên đường về nhà. Hay như T.H (K55) đã từng bị trừ tận 40% lương vì đủ mọi lỗi như đi muộn, bị khách phàn nàn, không làm vừa ý quản lý,… Chúng ta đang đánh đổi thời gian, sức khỏe và tinh thần, bù lại chỉ nhận được một khoản tiền nho nhỏ vào mỗi cuối tháng. Tôi không nghĩ đây là một cuộc giao dịch sinh lời, vì chúng ta đang mất nhiều hơn được.

Tôi không muốn bán rẻ sức lao động của mình!

Trong một buổi hội thảo diễn ra tại trường, thạc sĩ Bùi Phương Việt Anh đã chia sẻ: “Đi làm thêm, nhưng hãy làm những việc có liên quan đến sự nghiệp của bạn sau này. Đừng lãng phí thời gian vào công việc làm thêm vô nghĩa, vì nó chẳng có giá trị gì cho tương lai cả”. Tôi bắt đầu tự hỏi rằng mục đích chúng ta đặt ra khi chọn đi làm thêm là gì? Mỗi sinh viên cần ít nhất ba năm rưỡi để tốt nghiệp một chuyên ngành ở Ngoại thương, thêm bốn đến năm năm để tích luỹ kinh nghiệm cho quá trình làm việc lâu dài. Nếu bây giờ tôi cứ mải miết làm những công việc chỉ – để – kiếm – tiền thì liệu tôi có đang lãng phí thời gian và chất xám của mình hay không? Tôi bỏ thời gian và tiền bạc học đại học, nạp vào đầu hàng tá kiến thức từ cơ sở đến chuyên ngành không phải chỉ để làm một công việc cần trình độ phổ thông.

Tôi không nói rằng những người chọn làm phục vụ bàn, tiếp tân, bán hàng,… là sai. Có những bạn thật sự khó khăn, họ cần đi làm, dù công việc ấy không giúp làm đẹp cho CV, miễn sao đủ trang trải cho cuộc sống sinh viên hiện tại. Tôi hoàn toàn tôn trọng vì ai cũng có nhu cầu và lựa chọn của riêng mình. Nhưng thử nghĩ xem, liệu bạn có nên chấp nhận một công việc nhàm chán tầm trung trong khi khả năng của bản thân nhiều hơn thế? Bạn sẽ phải hoạt động theo một chu trình đã định sẵn: lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác, không có sự sáng tạo, không có tư duy, động lực thay đổi và phát triển cũng chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Những người trẻ chúng ta cần sự năng động, cần được lắng nghe ý kiến của mình chứ không phải thụ động ngồi một chỗ, chăm chăm nghe theo chỉ bảo của người khác! Hơn nữa, công việc vừa mang lại nguồn tài chính ổn định vừa mang lại kinh nghiệm không phải không có. Số tiền mà các doanh nghiệp bỏ ra để mua chất xám tất nhiên cũng sẽ cao hơn số tiền họ dùng để mua sức lao động chân tay đơn thuần. Lùi một bước rồi tiến hai bước hay cứ thế dậm chân tại chỗ, sự lựa chọn nằm ở bản thân mỗi người!

Kẻ thức thời mới là trang tuấn kiệt

Tìm kiếm một công việc phù hợp chuyên ngành, bổ trợ tốt cho tương lai luôn nằm trong bàn tay mỗi người. Thị trường lao động ngày nay tuy hẹp nhưng luôn có chỗ cho những ai đủ thông minh và sáng suốt. Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt – hãy biết nhìn, nghe, học hỏi và chớp lấy cơ hội. Chẳng hề khó để bắt gặp những sinh viên như Q.H (K54). Nhờ nhanh nhạy nắm bắt thông tin từ người quen, cô nàng đã trở thành quản lý cho một trang fanpage uy tín. Ngoài ra, các FTUers còn có thể có công việc trong mơ thông qua những hội thảo, cuộc thi tìm kiếm gương mặt triển vọng. Lựa chọn tham gia các câu lạc bộ, đội nhóm cũng là một ý tưởng hay. Khi trở thành thành viên, bạn sẽ nhận được rất nhiều mẩu tin tuyển dụng nhân sự, thực tập sinh đến từ các tiền bối có chung đam mê và định hướng tương lai.

Dù gì đi nữa, “một cái đầu lạnh” trong việc lựa chọn công việc làm thêm sẽ đem lại cho người trẻ như chúng ta những trải nghiệm tuyệt vời. Tuổi trẻ, lăn xả và va vấp là điều đương nhiên. “Tớ từng đi làm thêm” sẽ là một kỉ niệm đáng nhớ trong trang nhật ký của bạn chứ?

Xuân Mỹ

Happy
Happy
0 %
Sad
Sad
0 %
Excited
Excited
0 %
Sleepy
Sleepy
0 %
Angry
Angry
0 %
Surprise
Surprise
0 %
Categories: Phóng sự